Hiệu quả tuyên truyền bắt nguồn từ thực tiễn

08:08, 29/08/2017

Tuyên truyền miệng là một phương thức tiến hành công tác tư tưởng của Ðảng. Ðây được xem là loại hình đặc biệt, kênh thông tin hiệu quả, một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Ðảng, Nhà nước với nhân dân.

Tuyên truyền miệng là một phương thức tiến hành công tác tư tưởng của Ðảng. Ðây được xem là loại hình đặc biệt, kênh thông tin hiệu quả, một khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tuyên truyền miệng càng khẳng định vị trí, vai trò là kênh thông tin chính thống, không thể thay thế. Việc bám sát vào yếu tố thực tiễn đã góp phần nâng cao tính thuyết phục, tạo hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
 
Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh tham gia làm công tác tuyên truyền miệng. Ảnh: N.Ngà
Hội Phụ nữ huyện Đạ Tẻh tham gia làm công tác tuyên truyền miệng. Ảnh: N.Ngà

Nhìn lại chặng đường
 
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị 17 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 28 tháng 11 năm 2007 để triển khai thực hiện chỉ thị này. Qua 2 kỳ đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh; tham mưu xây dựng quy chế hoạt động, cung cấp, định hướng thông tin để các đơn vị, địa phương thực hiện.
 
Để thực hiện có hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở luôn được Đảng bộ tỉnh và các tổ chức cơ sở đảng quan tâm. Toàn tỉnh có 1.830 BCV các cấp, trong đó có 5 BCV cấp Trung ương, 46 BCV cấp tỉnh, 192 BCV cấp huyện và 1.587 BCV cấp cơ sở. Hiện, 100% BCV Trung ương và cấp tỉnh đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đội ngũ BCV là những người có uy tín, kinh nghiệm trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị do cấp ủy giao.
 
Thực tế cho thấy, qua từng năm, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động BCV đã có nhiều đổi mới. Nội dung báo cáo, tuyên truyền chú trọng cập nhật những vấn đề mới, quan trọng của đất nước; những sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm. 
 
Nhiều BCV đã đổi mới phương pháp truyền đạt; sử dụng giáo án điện tử trong bài báo cáo, viện dẫn thực tiễn để minh họa, cụ thể hóa bài nói chuyện nhằm thu hút người nghe. Chất lượng thông tin được tăng cường theo hướng nâng cao tính thời sự, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính thiết thực, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết của người dân. Đặc biệt, đội ngũ BCV đã chú trọng việc đưa nhiều hơn nữa những vấn đề thực tiễn vào công tác tuyên truyền góp phần tạo nên sự hứng thú cũng như sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
 
Bám sát thực tiễn
 
Đồng chí Lê Ích Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đam Rông cho rằng: “Để công tác tuyên truyền miệng đến gần với bà con, đội ngũ BCV trên địa bàn huyện thường xuyên bám sát cơ sở, nội dung đề cập sát với thực tiễn đời sống của bà con. Đồng thời, tạo điều kiện để tăng cường tính đối thoại để người dân có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình; từ đó giúp cho cấp ủy nắm bắt tư tưởng, phản biện xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng của cuộc sống đặt ra. Đội ngũ BCV chủ yếu là người đứng đầu cấp ủy ở cơ sở, thường xuyên bám cơ sở, trực tiếp là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân”.
 
Ghi nhận tại huyện Lạc Dương: Năm 2016 cùng với nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, một số BCV đã tổ chức thảo luận, đối thoại, giải thích tận tình để người nghe hiểu và nắm được những nội dung cần truyền đạt. Đối với các buổi quán triệt về chỉ thị, nghị quyết của Đảng, BCV gắn cụ thể vào tình hình địa phương giúp học viên dễ nhớ… Từ đó tạo sự đổi mới trong cách tuyên truyền cũng như giảng dạy lý luận chính trị góp phần nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền miệng.
 
Cũng đề cập đến vấn đề đổi mới phương pháp của đội ngũ BCV, đồng chí Hồ Quốc Phong - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng, đội ngũ BCV đã tạo ra không khí cởi mở, thân thiện, giảm bớt sự nhàm chán, khô cứng trong các buổi tuyên truyền. Các nghị quyết, chỉ thị của trung ương đều được Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn lại ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí của người dân từng khu vực, từng dân tộc. Tuyên truyền miệng hiệu quả khi bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, giải đáp được những thắc mắc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tránh những mối phân tâm, nghi ngờ trong xã hội. Việc lấy chất liệu từ thực tiễn cuộc sống đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra sức thuyết phục trong công tác tuyên truyền. Đây không chỉ là nhiệm vụ của một đơn vị mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị...”.
 
Sự ổn định trong xã hội là thước đo hiệu quả bộ máy công quyền và phần nào chứng tỏ hiệu quả của công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng. Cuộc sống vận động từng ngày, đồng nghĩa với việc những nhiệm vụ thách thức mới cũng đặt ra. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ BCV phải là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
NGỌC NGÀ