Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề bất cập trong quy hoạch, phát triển đô thị

05:08, 16/08/2017

(LĐ online) - Sáng ngày 16/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về những nội dung đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.  

(LĐ online) - Sáng ngày 16/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về những nội dung đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.  
 
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng về trực tuyến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng của UBTVQH
Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng về trực tuyến phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng của UBTVQH
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ thực tiễn UBTVQH đã lựa chọn vấn đề công tác xây dựng, kiến trúc, giao thông đô thị... để lựa chọn chất vấn. Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.
 
Các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội); Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), các đại biểu tỉnh Quảng Nam, Bến Tre… chất vấn các vấn đề: Giải pháp xử lý nước thải, rác thải; bố trí nơi vui chơi giải trí; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trong quản lý đô thị; trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép, lấn chiếm đất công. Đồng thời còn là các vấn đề về nâng cao chất lượng sống tại các khu dân cư vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thiện thể chế về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; giải pháp ngăn chặn lãng phí trong đầu tư, xây dựng, chất vấn về quy hoạch xây dựng nhà ở khu dân cư tái định cư ở nhiều nơi còn bất cập, quy hoạch nhà ở xã hội còn hạn chế...
 
Trả lời về những vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội chất vấn:Về vấn đề quản lý quy hoạch đô thị, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch xây dựng chung cũng như quy hoạch đô thị là quy hoạch tổng thể với những quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ để bảo đảm cuộc sống cho con người trong cả hiện tại và tương lai. Quy hoạch đô thị vừa qua được quan tâm cả về xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trong quy hoạch đô thị còn có những hạn chế, mà nổi bật là: Chất lượng lập quy hoạch (tầm nhìn chưa đảm bảo, chưa phù hợp thực tiễn, tính khả thi chưa tốt...); sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch ( ví dụ như  quy hoạch hạ tầng khớp nối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...); quy hoạch chưa tính tới nguồn lực, tiến độ thực hiện... dẫn tới tình trạng quy hoạch treo...Về tổ chức thực hiện quy hoạch, thường thực hiện chậm hoặc thực hiện không đồng bộ, chắp vá...
 
Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách của mình; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch... Việc giám sát của cộng đồng, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế... dẫn tới những hệ lụy cụ thể về phát triển đô thị như: Ùn tắc giao thông, sử dụng đất không hiệu quả, vi phạm cấp phép xây dựng, lấn chiếm đất đai...
 
Vấn đề đặt ra là có trục lợi hay không trong trục lợi quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng về tổng thể chúng ta thực hiện tốt, nhưng trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu của trục lợi.
 
Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong xây dựng thể chế, tính toán các tiêu chí phát triển trong xây dựng quy hoạch; thủ tục trình tự quy hoạch còn phức tạp, còn nặng về mục tiêu quản lý, thiếu tính khả thi...
 
Tới đây Bộ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định, thể chế về quy hoạch đảm bảo nâng cao chất lượng, chống lãng phí trong quy hoạch. Cụ thể, Bộ sẽ rà soát lại các phương pháp tính, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan để sửa đổi, loại bỏ một số thủ tục, quy trình không cần thiết, trùng lặp, mâu thuẫn,... Đồng thời tăng cường phối hợp với các địa phương trong tổ chức, theo dõi thực hiện quy hoạch; đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, ngăn chặn lợi ích nhóm trục lợi quy hoạch; tăng cường sự giám sát của nhân dân trong xây dựng, thực hiện quy hoạch....
 
Về tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Dù thời gian qua đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Do vậy, cần tăng cường quản lý nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...
 
Nguyên nhân là do việc cấp phép còn hạn chế, chủ đầu tư cố tình vi phạm giấy phép; cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra không kịp thời, xử lý vi phạm không dứt điểm...
 
Bộ trưởng thừa nhận trách nhiệm của Bộ. Đồng thời, Bộ trưởng nêu các giải pháp về việc hoàn thiện các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng thanh tra xây dựng; hoàn thiện chế tài xử lý, đủ khả năng răn đe; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về xây dựng...
 
Về cam kết khi nào chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép, Bộ trưởng nói thật rằng đây là vấn đề khó, cần có sự phối hợp rất đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp các ngành, giữa trung ương với địa phương, Bộ sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhất là tại một số công trình, dự án quy mô sử dụng đất lớn... 
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về việc kiểm tra cụ thể, khắc phục những bất cập trong quy hoạch các khu dân cư vượt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long; rà soát, sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ tiêu, định mức trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị... cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí, thất thoát.
 
Về tình trạng lấn chiếm đất đai trong đô thị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả dẫn tới tình trạng lấn chiếm... Thời gian tới cần đổi mới cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị.
 
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức dưới hình thức họp trực tuyến, và được truyền hình, phát thanh trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước theo dõi.
 
Tại phiên chất vấn, ngoài việc Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn về các vấn đề liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan...
 
Nguyệt Thu