Cách đây 70 năm, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 1/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 8 khuyết điểm "phải kiên quyết tẩy sạch". Đó là: Tư tưởng "Địa phương chủ nghĩa"; "Óc bè phái"; "Óc quân phiệt, quan liêu, hẹp hòi"; "Ham chuộng hình thức"; "Làm việc lối bàn giấy"; "Vô kỷ luật; kỷ luật không nghiêm"; "Ích kỷ, hủ hóa".
Cách đây 70 năm, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ ngày 1/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 8 khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch”. Đó là: Tư tưởng “Địa phương chủ nghĩa”; “Óc bè phái”; “Óc quân phiệt, quan liêu, hẹp hòi”; “Ham chuộng hình thức”; “Làm việc lối bàn giấy”; “Vô kỷ luật; kỷ luật không nghiêm”; “Ích kỷ, hủ hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rằng, các căn bệnh trên đều xuất phát từ khối u “Chủ nghĩa cá nhân” mà ra.
22 năm sau, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã cảnh báo: “Một số cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn rất kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Những cảnh báo đó của Người dù đã cách đây hàng chục năm nhưng soi vào thực tiễn hiện nay, tất cả đều ứng với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó, cần lưu ý những nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Trước hết và chủ yếu nhất là do nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân của những cán bộ, đảng viên không vững vàng lập trường tư tưởng chính trị; thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; mưu chức, mưu quyền, tranh giành, kèn cựa địa vị, tham lam… Đây là những dạng người dễ coi thường kỷ luật, kỷ cương, nặng bảo thủ, dễ bất mãn; mỗi một khi đã bất mãn thì họ thường suy diễn, nhanh thay đổi nhận thức, quan điểm đối với Đảng, chế độ. Và với họ, con đường dẫn tới sự tha hóa phẩm chất đạo đức, lối sống chỉ trong gang tấc.
- Nguyên nhân thứ hai: Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, thậm chí có nơi không hề coi trọng, từ đó làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lười học tập lý luận chính trị; không quan tâm nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, dẫn tới phai nhạt lý tưởng cách mạng; sống thực dụng, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; khuyết điểm thì giấu giếm, tự phê bình thì thiếu thành khẩn, khi phê bình người khác thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng.
- Nguyên nhân thứ ba: Thiếu công khai minh bạch trong công tác cán bộ; điều này dù vô tình hay hữu ý cũng đều trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng tham quyền lực, dẫn tới chạy chức, chạy quyền; nặng “tư duy nhiệm kỳ”; vì tư duy nhiệm kỳ mà khi nắm quyền bính trong tay, họ tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà vào những vị trí đặc quyền, đặc lợi... và cũng vì tư duy nhiệm kỳ nên họ chỉ tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, có lợi cho mình.
- Nguyên nhân thứ tư: Thiếu cương quyết trong xử lý kỷ luật Đảng; chưa quyết liệt trong xử lý tham ô, tham nhũng và các vi phạm khác. Tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, “cán bộ nhỏ xử nặng, cán bộ to xử nhẹ”, dẫn tới sự thiếu công minh, chính trực, tạo sự bất công bằng trong đối xử với cán bộ, đảng viên. Sự thiếu công minh, chính trực đó tạo ra sự bất nhất giữa nói và làm và hệ lụy là sự hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về lý luận với thực tiễn, dẫn tới sự bất mãn; chia rẽ nội bộ.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, thừa nhận khuyết điểm, Đảng ta đã cảnh báo về sự hiện hữu của những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang hết sức phức tạp và nguy hiểm. Chính vì thế mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa XII) đã ra Nghị quyết về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; từ đó khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc ngăn ngừa, chữa trị “căn bệnh tư tưởng” vô cùng nguy hại này. Vấn đề đặt ra ở đây là giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả.
Trước hết, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân mức độ nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn mơ hồ, chưa nhận thức đúng về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và mức độ nguy hiểm của nó đối với sự tồn vong của Đảng, chế độ. Bởi vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng trước sự tác động chuyển hóa, cùng những tiêu cực trong đời sống xã hội.
Gắn thực hiện nghị quyết Trung ương 4 với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết khắc phục những yếu kém, sai lầm trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ, nhất là công khai, minh bạch trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phù hợp với chuyên ngành đào tạo, năng lực, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, trách nhiệm, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta, bởi thế, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong hoạt động và sinh hoạt Đảng với tinh thần xây dựng, trung thực. Mở rộng và phát huy dân chủ, khắc phục bằng được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh. Cùng với đó, đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mặt khác cần nghiêm túc và thực sự trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Nhất thiết phải công khai và minh bạch tài chính công. Sự thiếu minh bạch trong chi tiêu tài chính sẽ là lý do để mọi người đàm tiếu, nghi ngờ sự bất chính, từ đó thổi phồng con số, làm nghiêm trọng hóa về phẩm chất đạo đức của người đứng đầu và sự suy diễn của số đông về lòng tham.
Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuyên truyền đậm nét, thuyết phục những thành quả trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”; động viên kịp thời những bài viết có ý thức chính trị cao trong phê phán, lên án những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng những nguyên nhân tạo ra tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền, nhất là những thông tin tạo hiệu ứng xã hội, tác động tiêu cực tới sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa và suy thoái.
Xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu hay chuyển công tác; dù ở chức vụ gì, bất cứ cấp nào; có như vậy mới xóa bỏ vĩnh viễn tư tưởng “hạ cánh an toàn” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức mà không cần phải chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác; tinh giảm những công chức, viên chức lười suy nghĩ, không cầu tiến, yếu năng lực thực hành, năng suất, hiệu quả công việc kém. Đồng thời, xây dựng nền đạo đức công vụ với các chế tài nghiêm khắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Và trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Từ đó thấy rằng, những lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn còn nóng hổi. Chính vì vậy, việc ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong nội bộ đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.
Đã đến lúc toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ và coi đây là sứ mệnh sống còn, tất cả vì dân an, Đảng tín, chính quyền vững mạnh; vì sự hội nhập và phát triển của đất nước.
LÊ QUANG