Xây dựng "đô thị thông minh" là tất yếu

04:08, 08/08/2017

(LĐ online) - Ngày 8/8, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị nghe báo cáo góp ý dự thảo Đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh" với sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng...

(LĐ online) - Ngày 8/8, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị nghe báo cáo góp ý dự thảo Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh” với sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng và Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm. Cùng tham dự của lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là đơn vị tư vấn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng...
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu ý kiến chỉ đạo
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phát biểu ý kiến chỉ đạo
 
Sau nhiều cuộc họp và thảo luận giữa ngành và địa phương tỉnh Lâm Đồng với đơn vị tư vấn, lần đầu tiên bản thảo đầy đủ nhất được trình bày cùng thảo luận. Xây dựng đô thị thông minh (Smart City) là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nó thể hiện sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của một địa phương. Đô thị thông minh là sự đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, đưa lại những tiện ích lớn đối với cộng đồng xã hội...
 
Đà Lạt là một trong khoảng 40 đô thị thuộc 63 tỉnh, thành đang được triển khai đô thị thông minh. Trên cơ sở những đặc điểm riêng và thảo luận của các ngành liên quan ở Lâm Đồng, các nhà tư vấn đã xây dựng Đề án với 5 chiến lược, 7 nguyên tắc và đề xuất ưu tiên 9 lĩnh vực trước mắt. Tính chất “thông minh” này bao gồm 9 lĩnh vực là: chính quyền, nông nghiệp, du lịch, môi trường, an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế và giao thông. 
 
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng: Đô thị thông minh là quá trình phát triển lâu dài, không có điểm dừng và trong nước mới triển khai một năm nên chưa có mô hình cụ thể, ở thế giới chưa có tổng kết, do đó đây là thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Theo ông Tâm, có thể gói lại 6 lĩnh vực là: xây dựng kinh tế thông minh; chính quyền thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; cuộc sống thông minh và cư dân thông minh. “Điều kiện tiên quyết để triển khai thành công là cần có tầm chiến lược lâu dài cùng với hệ thống những giải pháp sáng tạo và táo bạo của lãnh đạo các cấp, các ngành”, ông Tâm nhấn mạnh. Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phan Tâm cũng bày tỏ hài lòng và tin tưởng về sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lâm Đồng đối với chủ trương xây dựng đô thị thông minh của địa phương. Ông cũng đề nghị phía tư vấn (VNPT) tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng từ địa phương để hoàn thiện Đề án có tính khả thi cao nhất.  
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh: Xây dựng đô thị thông minh là chủ trương của Đảng, Chính phủ và xu hướng của thế giới, nhu cầu của người dân. Vì vậy, Đề án này là một trong những nhiệm vụ rất lớn của địa phương Lâm Đồng; lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của mình; cần quán triệt sâu rộng trong tập thể cán bộ, công chức của đơn vị để có kế hoạch hành động cụ thể. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đề nghị sau Hội nghị, các ngành liên quan tích cực đầu tư trí tuệ và tâm huyết rà soát lần cuối các nội dung theo từng lĩnh vực trong tháng 8 và 9 nhằm có thống nhất cao với nhà tư vấn. Như vậy thì Đề án mới hoàn thiện kịp thời để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến và sau đó UBND tỉnh phê duyệt dự kiến vào quý IV/2017.
 
MINH ĐẠO