Bảo tồn bản sắc dân tộc là quan trọng trong phát triển xã hội

02:09, 12/09/2017

(LĐ online) - Đoàn khảo sát của Hội đồng Tư vấn Dân tộc thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do bà Hà Thị Khiết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân tộc dẫn đầu đang có chương trình làm việc tại Lâm Đồng.

(LĐ online) - Đoàn khảo sát của Hội đồng Tư vấn Dân tộc thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do bà Hà Thị Khiết, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân tộc dẫn đầu đang có chương trình làm việc tại Lâm Đồng. Đoàn khảo sát đã và đang tìm hiểu về hai nội dung bao gồm tình hình thực hiện Nghị định 82/2010/NĐ-CP về triển khai việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số và tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại hai huyện Di Linh, Đức Trọng và nghe lãnh đạo các ngành liên quan của Lâm Đồng báo cáo về tình hình thực hiện hai nhiệm vụ trên. Về hoạt động dạy và học tiếng, chữ viết của dân tộc thiểu số, Lâm Đồng chưa triển khai trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân chính là chưa có trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên dạy bằng tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Lâm Đồng đã và đang tích cực mở các lớp dạy tiếng Cơ Ho cho cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tới nay đã có 132 lớp được mở với 3.915 cán bộ, viên chức theo học và trên 1.500 người được cấp giấy chứng nhận.
 
Về tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong những năm qua Lâm Đồng đã rất cố gắng vận động, tuyên truyền nên có chiều hướng giảm. Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh giai đoạn 2010-2014, toàn tỉnh có 717 cặp tảo hôn và 25 cặp hôn nhân cận huyết thống. Khảo sát năm 2016 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy tảo hôn tuy có giảm nhưng vẫn tương đối phổ biến, độ tuổi chủ yếu là 16 tuổi trở lên. Hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên cũng giảm rất nhiều nhưng tại các địa phương khảo sát vẫn còn một số cặp vợ chồng kết hôn trong phạm vi ba đời. Có nhiều nguyên nhân khiến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại như phong tục tập quán, tâm lý cần người làm, sợ mất đất mất của… của bà con và cũng do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền chưa thường xuyên, ráo riết. 
 
Tham gia buổi làm việc, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng có dân số trên 1,2 triệu người với 43 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có 17% là người dân tộc thiểu số bản địa. Đời sống kinh tế ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,19%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 14,71%. Tuy nhiên, tình trạng di dân tự do khiến ảnh hưởng rất lớn tới tình hình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Phạm S đề nghị Chính phủ cần chú trọng tới xử lý vấn đề di dân tự do, ổn định đời sống kinh tế của cư dân và đó chính là cơ sở để ổn định đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc người dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng.
 
Thay mặt đoàn công tác, bà Hà Thị Khiết khẳng định thành quả của Lâm Đồng trong xây dựng nông thôn mới, ổn định cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số là rất đáng mừng. Song song với nâng cao đời sống kinh tế, bà cũng mong mỏi Lâm Đồng chung tay hỗ trợ bà con giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc, phát huy những nét đẹp của phong tục truyền thống bởi đây là yếu tố quan trọng trong phát triển xã hội. Bà cho biết, kết quả của chuyến khảo sát cũng như những ý kiến của chính quyền địa phương sẽ được cung cấp cho các cơ quan liên quan để có sự đánh giá cụ thể, hướng tới việc xây dựng chính sách mang lại hiệu quả thực tế và bền vững.
 
D.Quỳnh