Tôn K'Long thuộc xã Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh là một trong hai địa phương trong tỉnh còn chi bộ sinh hoạt ghép. Việc Chi bộ Tôn K'Long phải sinh hoạt ghép đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự lãnh đạo của Ðảng đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tôn K’Long thuộc xã Ðạ Pal, huyện Ðạ Tẻh là một trong hai địa phương trong tỉnh còn chi bộ sinh hoạt ghép. Việc Chi bộ Tôn K’Long phải sinh hoạt ghép đã ảnh hưởng ít nhiều đến sự lãnh đạo của Ðảng đối với các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bởi vậy, nhiệm vụ cần làm ngay của huyện Ðạ Tẻh nói chung cũng như xã Ðạ Pal và các thôn ở Tôn K’Long nói riêng là nỗ lực xóa chi bộ ghép.
|
Người dân Tôn K’Long thu hoạch điều. Ảnh: H.Sang |
15 năm không có các tổ chức đoàn thể
Ông Phạm Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal, người có mặt ở vùng đất này từ những ngày đầu nói: “Gần 30 năm trước, vùng đất Tôn K’Long đã được một nhóm người đồng bào dân tộc bản địa, chủ yếu là người Châu Mạ chọn làm nơi sinh sống. Đến năm 2000, huyện Đạ Tẻh đã chọn Tôn K’Long là địa điểm để triển khai Dự án định canh, định cư nhằm chuyển một số diện tích đất rừng nghèo kiệt sang đất sản xuất cho bà con thiếu đất”. Thời điểm đó, 250 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất thuộc một số địa phương trong huyện được đưa đến định cư ở vùng này với 300 ha đất sản xuất. Khi mới thành lập, thôn chỉ chỉ có ông K’Beo - Trưởng thôn Tôn K’Long A và ông K’Bia - Trưởng thôn Tôn K’Long B. Mỗi thôn có một công an viên. Những ngày đầu lên định canh, định cư ở Tôn K’Long bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đã bỏ đất, bán đất… để trở về chỗ ở cũ. “Sự không ổn định của dân cư cũng như việc chưa tìm ra được “mặt gửi vàng”, nên suốt 15 năm Tôn K’Long không có các tổ chức đoàn thể”, ông Phạm Văn Tuấn nói.
Đến thời điểm này, cuộc sống của người dân ở Tôn K’Long đã cơ bản ổn định. Hai thôn có khoảng gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có 60 hộ sống cố định tại chỗ.
Tôn K’ Long cách trung tâm xã Đạ Pal hơn 10 km. Mùa nắng đường khô, bụi đỏ đóng thành lớp dày ngập cả lốp xe. Đá cuội lởm chởm dày đặc trên mặt đường khiến hành trình vượt dốc vào Tôn K’Long càng thêm gian nan. Mùa mưa, những tay lái giỏi người bản địa cũng phải mất cả 2 tiếng đồng hồ mới có thể vượt qua. Và tất nhiên, những người khách nơi xa sẽ khó vào thôn nếu không có sự trợ giúp của người bản địa và những chiếc xe “chuyên dụng”. Đường vào thôn khó khăn là vậy, nhưng vì không có các tổ chức đoàn thể nên các tổ công tác của xã do bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã thay nhau dẫn đầu liên tục đi vào và nắm tình hình thôn.
Nỗ lực xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Cũng theo lời vị Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal: “Quá trình người dân định canh định cư tại Tôn K’ Long có nhiều vấn đề nảy sinh như: tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, mua, bán đất sai quy định, nạn học sinh bỏ học, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa tốt… Để kịp thời nắm bắt và giải quyết vấn đề này, xã Đạ Pal đã có nhiều nỗ lực để thành lập khung chính quyền tại đây. Sau nhiều cố gắng, năm 2015, các tổ chức đoàn thể thôn dần được hình thành. Tiếp đó nhiệm vụ gấp rút phải thành lập chi bộ cơ sở để lãnh đạo bộ máy chính quyền. Tháng 4/2016 chi bộ sinh hoạt ghép của 2 thôn Tôn K’Long A và Tôn K’Long B được thành lập với 3 đảng viên”.
Tôn K’Long không có đảng viên tại chỗ nên 3 đảng viên đầu tiên của chi bộ sinh hoạt ghép đều là đảng viên ở những nơi khác. Đó là đảng viên Chu Quang Tuấn - cán bộ địa chính xã Đạ Pal về cắm chốt, là thầy giáo Nguyễn Xuân Lâm - giáo viên phân hiệu Trường Tiểu học và THCS Xuân Thành đóng chân trên địa bàn Tôn K’ Long và chị K’ Thẻo - đảng viên của thị trấn chuyển lên đây để sản xuất. Sau khi có sự phân công của nhà trường, thầy Lâm chuyển công tác, song có đảng viên K’Kiểm cũng là người dân lên đây sản xuất nên chi bộ vẫn giữ con số 3 đảng viên.
“Đó là một trong những tín hiệu mừng của Đạ Pal cũng như Tôn K’Long bởi có sự lãnh đạo sát sao của Đảng. Nhờ vậy, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thôn đã thuận lợi hơn”, ông Phạm Văn Tuấn khẳng định.
Chị Ka Thẻo, Bí thư Chi bộ thôn Tôn K’Long cho biết: “Chi bộ còn mới nhưng vẫn cố gắng thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó. Những nhiệm vụ trước mắt mà Chi bộ phải thực hiện là chỉ đạo các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường vận động người dân không phá rừng làm rẫy và cho con em đến trường, ngăn chặn tình trạng bỏ học”.
Vì chi bộ còn sinh hoạt ghép nên các đảng viên gặp nhiều khó khăn trong công tác hội họp. Ðặc thù dân cư sống rải rác trên hai thôn nên công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn, các đảng viên chủ yếu thực hiện công tác nắm bắt tình hình và tuyên truyền miệng tới người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đạ Tẻh nói thêm: “Để có được chi bộ sinh hoạt ghép ở Tôn K’Long là nỗ lực rất lớn của xã và huyện. Huyện đã có nhiều nỗ lực, hỗ trợ, tạo điều kiện hết sức để đồng hành cùng Đạ Pal trong việc gây dựng, phát triển tổ chức đảng ở Tôn K’Long. Sau khi tổ chức đảng được thành lập, nhiệm vụ tiếp theo là phấn đấu đến cuối 2018 Tôn K’Long không còn chi bộ sinh hoạt ghép. Huyện ủy Đạ Tẻh đã sử dụng phương án, đề nghị nhà trường tăng cường giáo viên là đảng viên vào giảng dạy tại phân trường trong thôn. Cùng với đó, Đảng ủy xã Đạ Pal đã chỉ đạo cho Chi bộ tại Tôn K’Long nỗ lực tạo nguồn kết nạp đảng viên. Hiện đã có nguồn là người DTTS tại chỗ được đào tạo hướng tới xây dựng và phát triển chi bộ bền vững”.
Trước khi chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal Phạm Văn Tuấn cũng khẳng định chắc nịch: Cuối năm 2018 Tôn K’ Long chắc chắn sẽ xóa được chi bộ ghép.
NGỌC NGÀ