(LĐ online) - Trong 5 năm qua (2011 - 2015), Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, đã ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
(LĐ online) - Trong 5 năm qua (2011 - 2015), Đảng ta rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, đã ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng đã góp phần làm cho Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, “Công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua còn nhiều hạn chế, khuyết điểm” đã được Đại hội XII của Đảng chỉ rõ. Việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế. Việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng chưa kịp thời, đồng bộ, cụ thể và hiệu quả chưa cao. Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao...Những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đã “làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” (Văn kiện ĐH XII).
Trước yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới, Đại hội XII của Đảng đã xác định phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, BCH Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, trước hết đòi hỏi các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm của chính cơ quan, đơn vị và bản thân mình, trong đó cán bộ cấp trên, cán bộ có chức vụ cần gương mẫu làm trước. Quán triệt nhiệm vụ xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, mỗi tổ chức Đảng, đảng viên quán triệt sâu sắc và bám sát 10 nội dung ở phần nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh mà Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định; trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau đây.
Thứ nhất, công tác xây dựng Đảng phải chú trọng về chính trị, nhằm đảm bảo cho toàn Đảng và mỗi đảng viên luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng một cách sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để không chệch hướng; kiên định đường lối đổi mới để không giao động; kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng để không vi phạm... Làm tốt điều này sẽ chống được biểu hiện “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng. Điều này đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận phải giải đáp được những vấn đề thực tiễn đất nước đặt ra và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay, có như thế mới góp phần tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đồng thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng trái với đường lối quan điểm của Đảng ta. Trong công tác tư tưởng, lý luận bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng, có như thế nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống.
Thứ ba, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, "lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm…Làm tốt điều này sẽ góp phần phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; qua đó củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và cán bộ, đảng viên, vốn đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện cơ chế giao quyền lực, kiểm soát quyền lực, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Đây là những vấn đề xã hội hết sức quan tâm và trông chờ sự khắc phục. Đi đôi với kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, cần chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, phát triển đi đôi với sàng lọc đảng viên.., nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ năm, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng. Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển, sàng lọc đảng viên, bảo đảm chất lượng.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Thực hiện nghiêm minh cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước, những hành vi dung túng, bao che cho các khuyết điểm, vi phạm, công khai kết quả xử lý… Trong tình hình hiện nay, nếu không làm tốt điều này sẽ không ngăn chặn được sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ càng nghiêm trọng hơn và bị kẻ thù lợi dụng chống phá…
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân trong việc giám sát và phản biện xã hội trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, nhất là những vấn đề liên quan thiết thực đến người dân. Làm công tác dân vận luôn luôn quán triệt tinh thần “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mà sinh thời Bác Hồ thường nhắc nhở.
Thứ tám, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ có tính cấp bách, thường xuyên, quan trọng và lâu dài. Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí. Các cấp uỷ Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, và toàn bộ hệ thống chính trị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, kiên quyết vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, chế độ và sự phát triển của đất nước. Nhìn vào sự sụp đổ của các triều đại phong kiến trước đây và bài học của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu và nhiều nước khác, có nhiều nguyên nhân nhưng tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính. Làm tốt điều này Đảng sẽ mạnh hơn, đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ngày càng được củng cố vững chắc.
Làm tốt những vấn đề nêu trên sẽ góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp sẽ giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự đầu tàu gương mẫu dẫn dắt quần chúng thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
NHÂN LINH