Đức Trọng: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

09:10, 20/10/2017

Đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết: Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức, trước hết là trong cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức đoàn thể về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cho biết: Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức, trước hết là trong cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân và các tổ chức đoàn thể về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một đồng chí là UVBTV Huyện ủy trực tiếp phụ trách mảng này. Tổ công tác đi kiểm tra, thăm nắm tình hình rừng được tổ chức hàng tuần. Trong đó, tập trung vào những khu vực trọng điểm như: dọc đường cao tốc và 5 xã vùng Loan. Đồng thời trong các cuộc giao ban hàng tháng, Thường trực Huyện ủy cũng chỉ đạo cụ thể về vấn đề này, yêu cầu các đồng chí thường vụ phụ trách địa bàn đôn đốc các địa phương tăng cường thực hiện vấn đề trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. 
 
Việc tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng cũng sẽ tạo ổn định quy hoạch 3 loại rừng sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 42% theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra; góp phần giữ vững kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở sẽ phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng… Từ đó góp phần mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; hạn chế đến mức thấp nhất về số vụ vi phạm (giảm 20% số vụ vi phạm so với cùng kỳ hàng năm), mức độ thiệt hại đến tài nguyên rừng (giảm 50% thiệt hại so với cùng kỳ hàng năm), góp phần ngăn chặn việc xảy ra điểm nóng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện. 

 
Bên cạnh đó, Huyện ủy cũng chỉ đạo các chi bộ của Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng thúc đẩy mối liên kết với địa phương và người dân sản xuất quanh rừng để hạn chế tình trạng lấn chiếm rừng, ken cây… Yêu cầu các hộ nhận khoán phải ký kết đảm bảo giữ nguyên hiện trạng rừng, trồng xen cây vào và tuyệt đối không được phá rừng để sản xuất. Đức Trọng xác định rõ việc quy trách nhiệm cho chính người dân nhận giao khoán rừng và các đơn vị liên quan nếu để xảy ra việc mất rừng. Nhiệm vụ đặt ra là phải thực hiện đồng bộ 6 giải pháp theo Chỉ thị 13: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý, phân định, đánh mốc ranh giới các loại rừng; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng; tăng cường công tác phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
 
Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng chiếm trên 42 ngàn ha. Trong đó rừng sản xuất trên 23 ngàn ha và rừng phòng hộ gần 19 ngàn ha. Diện tích có rừng trên 28 ngàn ha, độ che phủ 31,3%. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn đã giao cho 3 đơn vị chủ rừng nhà nước, 31 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để đầu tư thực hiện dự án, 1 cộng đồng dân cư, 135 hộ gia đình, 5 tập thể hộ gia đình nhận khoán quản lý và bảo vệ. 
 
Ông Nguyễn Văn Trung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết: “Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy và việc tăng cường lãnh, chỉ đạo của UBND huyện về các vấn đề liên quan đến rừng, các đơn vị, ngành chức năng trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định”. 
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13 cũng như các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đức Trọng; Ủy ban nhân dân huyện đã có quyết định bổ sung, kiện toàn đội 12 (đội truy quét quản lý, bảo vệ rừng) thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng. Đồng thời, ngành Kiểm lâm của huyện cũng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức 32 đợt tuyên truyền với hơn 750 lượt người nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác phát triển rừng. 94 hộ sống gần rừng, ven rừng đã ký cam kết bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm đã phân công 11 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã, thị trấn có rừng. Lực lượng này phối hợp với 183 thành viên của 11 ban lâm nghiệp xã tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện 30 vụ khai thác rừng, phá rừng trái phép. Quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh giữa các huyện Đức Trọng, Di Linh cũng như các huyện Tuy Phong, Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) cũng được đẩy mạnh. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nguyễn Văn Trung thì trong 9 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm giảm 26 vụ (26,26%) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, về tình trạng phá rừng, khai thác lân sản trái phép có chiều hướng phức tạp. Trong 9 tháng qua, lâm sản tịch thu từ các vụ vi phạm trên 37,444 m3 gỗ xẻ các loại và 59,841 m3 gỗ tròn các loại. Thu nộp ngân sách trên 428 triệu đồng. 
 
Công tác trồng rừng thay thế đã được các ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện song diện tích được thẩm định, phê duyệt trên 104 ha (đạt 39,58%). 10 ha/25 ha diện tích rừng đã được trồng sau giải tỏa đạt 40%. Cấp phát giống cây muồng đen cho các hộ khoảng 979,26 ha/1.500 ha, đạt 65,28% kế hoạch. Đã hoàn thành công tác cấp phát cây giống cho các đơn vị thực hiện việc này tại địa bàn các xã Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Tà Hine, thị trấn Liên Nghĩa. 2.000 cây phân tán đã được trồng dọc hai bên đường cao tốc Liên Khương - Prenn. 5,7 ha/6,2 ha trồng vành đai cao tốc đã được thực hiện đạt 92%. 60/97 ha trồng xen đã được thực hiện, đạt 62% kế hoạch.
 
Cùng với cơ quan chức năng, nhân dân là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bởi thế huyện Đức Trọng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai thực hiện vận động “Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng” và phong trào “trồng cây, trồng rừng phân tán”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo trong bảo vệ và phát triển rừng”; tiếp tục củng cố mạng lưới “cộng tác viên dân vận” để vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tố giác các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
 
NGỌC NGÀ