Công tác kiểm tra, giám sát trong Ðảng lấy "xây" là chính

08:10, 13/10/2017

Ðể xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh không thể không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðảng ta khẳng định: Kiểm tra và giám sát là những chức năng lãnh đạo của Ðảng. Lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. 

Ðể xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh không thể không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Ðảng ta khẳng định: Kiểm tra và giám sát là những chức năng lãnh đạo của Ðảng. Lãnh đạo mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng, đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Ðảng.
 
Kế thừa, phát huy và sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là hơn 30 năm của thời kỳ đổi mới, công tác kiểm tra của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng cao góp phần giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu; chất lượng hiệu quả chưa cao; chi bộ là nền tảng của Đảng, là nơi giáo dục, rèn luyện đảng viên; nơi phát hiện những quần chúng ưu tú trong các phong trào để lựa chọn, bồi dưỡng để phát triển đảng viên nhưng còn nhiều hạn chế, chưa chủ động sớm phát hiện vi phạm, những khuyết điểm, sai lầm của đảng viên, tổ chức đảng; không ít tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhưng chưa xử lý kịp thời; có nơi xử lý “nhẹ trên, nặng dưới” hoặc “nặng trên, nhẹ dưới”; công tác tham mưu cho cấp ủy tập trung kiểm tra ở những nơi dễ xảy ra vi phạm còn hạn chế; kiểm tra thiếu trọng tâm, giám sát chưa mở rộng; hiệu quả sau kiểm tra, giám sát một số nơi chưa cao; trong xem xét xử lý chưa lấy “xây” là chính theo quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”.
 
Trên cơ sở các quan điểm, định hướng về công tác kiểm tra đã được xác định trong Điều lệ Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và Kết luận 68-KL/TW ngày 30/12/2011 của Bộ Chính trị về sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát trong tình hình hiện nay cũng như lâu dài phải xác định góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh:
 
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, cấp ủy viên, đảng viên về vị trí, ý nghĩa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; phải tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là bộ phận cấu thành trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là trách nhiệm của toàn Đảng, của các tổ chức đảng và đảng viên. Trung ương Đảng đã có nghị quyết chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tuy nhiên, cần tiếp tục tăng cường để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm làm cho công tác kiểm tra, giám sát trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các chi bộ, đảng bộ trong toàn tỉnh; là công cụ hữu hiệu, là địa chỉ tin cậy trong việc ngăn ngừa sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. 
 
Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đang làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
 
Do đó, các cấp ủy đảng trong Ðảng bộ tỉnh, người đứng đầu cấp ủy không được đơn giản, xem nhẹ, lơ là mà phải luôn chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Mọi vi phạm phải được phát hiện khi mới “manh nha” để công tác kiểm tra, giám sát thực sự đúng quan điểm của Ðảng là lấy “xây” là chính.
 
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy và thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng và phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường sự lãnh lãnh đạo của cấp ủy từ việc hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở; các quy chế quản lý và sử dụng tài chính, tài sản; công tác cán bộ, thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; nội dung cần tập trung vào các lĩnh vực xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng lãng phí, việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; cải cách hành chính, tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử. Quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát cần phải phát huy tác dụng của mối quan hệ giữa tự giác và bắt buộc, giữa tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh, thương yêu đồng chí.
 
Ba là, tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đảng ta đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Do đó, cần phát huy sự tham gia ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về việc phản biện xã hội các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhất là giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. 
 
Bốn là, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cơ sở cần thực hiện tốt việc tham mưu cho cấp ủy và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trong đó cần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tránh biểu hiện ngại va chạm, né tránh. Xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm và vi phạm về tham nhũng, các nguyên tắc sinh hoạt Đảng; đồng thời, cần cân nhắc nhiều mặt những trường hợp có thái độ tiếp thu ý kiến phê bình nghiêm túc; chủ động khắc phục hậu quả để xem xét xử lý có lý, có tình tạo sự thống nhất đoàn kết trên dưới.
 
Năm là, quán triệt sâu sắc quan điểm trong công tác kiểm tra, giám sát là không có “vùng cấm”, “vùng tránh” và trường hợp ngoại lệ, muốn vậy mỗi cán bộ kiểm tra đảng phải luôn trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
 
Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948-16/10/2017) và 40 năm ngày thành lập Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng (18/10/1977 - 18/10/2017), mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên trong Ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã và đang ra sức học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng Đảng thật trong sạch, như Bác Hồ hằng mong muốn.
 
DƯƠNG CÔNG HIỆP
Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy