Quan điểm "Dân vận khéo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Quan điểm “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
|
Hội thi “Dân vận khéo” tạo sức lan tỏa trong đời sống. Ảnh: N.Thu |
Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ chỉ đạo triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, chọn nội dung “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” làm trọng tâm. Qua đó, đã triển khai xây dựng được 2.524 mô hình, điển hình về dân vận khéo. Bình quân, mỗi thôn, tổ dân phố, mỗi cơ quan, đơn vị gần như đều có mô hình dân vận khéo.
“Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế thể hiện ở biện pháp phối hợp tích cực hiệu quả giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, tham gia xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, khoa học. Tại cơ sở, xuất hiện nhiều mô hình “nhà lồng, nhà kính sản xuất rau, hoa công nghệ cao” ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương; mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, mô hình “Hai lúa, một bắp” ở các huyện phía Nam; mô hình tái canh cà phê ở các huyện trọng điểm cà phê như Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà; mô hình “Chăn nuôi bò sữa” ở Đơn Dương, Đức Trọng… góp phần tăng thu nhập, tăng năng suất, tăng sản lượng và chất lượng cây trồng đáng kể. Góp phần vào thành công chung của tỉnh là nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên đơn vị diện tích hàng năm cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, những năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thi đua thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các đoàn thể phát động đã đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Đó là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” nay chuyển thành cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Lập thân lập nghiệp” trong đoàn viên, thanh niên… góp phần tích cực cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nội dung vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm, làm cho chính mình và chính mình phải làm để xây dựng các công trình dân sinh, kinh tế ở địa bàn dân cư đã được lan tỏa rộng khắp các xã, phường, thị trấn.Việc vận động nhân dân đóng góp bê tông, nhựa hóa đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn điện chiếu sáng, xây dựng được nhiều mô hình ý nghĩa như mô hình “Tuyến đường không rác”, “Khu phố không rác”, mô hình “Vần công đổi công”, “Vận động học sinh không bỏ học”… được hình thành và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Phong trào dân vận khéo trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, các thiết chế văn hóa, thể thao được bổ sung, công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Các giá trị di sản văn hóa, bản sắc dân tộc được giữ gìn, phát huy. Công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng được chú trọng, tăng cường sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nhiều nghĩa trang được chỉnh trang quy hoạch trang nghiêm, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh từng bước xây dựng đạt tiêu chuẩn về xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh thực phẩm…
Cán bộ “Dân vận khéo”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó phải là những người có kỹ năng nghiệp vụ. Kỹ năng ấy bao gồm: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nghĩa là phải vận dụng “ngũ quan”, hiểu rõ thực tế, nói phải đi đôi với làm; phải có óc nghiên cứu để nắm vững bản chất của con người, của sự việc. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở: “Dân vận khéo” là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi theo Người: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” .
Tuy nhiên, thực tế ở không ít nơi, việc tiến hành công tác dân vận của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập như chưa gần dân, sát dân, chưa nắm được hết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; có biểu hiện mất dân chủ; một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở làm việc quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh, xa dân, chưa vận dụng thành thạo quy trình tiến hành dân vận… Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, chấp hành pháp luật đạt hiệu quả thấp. Một số địa bàn cơ sở xảy ra tình trạng mất ổn định do nhân dân chưa đồng thuận, vi phạm dân chủ, khiếu kiện về tranh chấp đất đai kéo dài… Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và về sau, “Dân vận khéo” vẫn được xem như phương thức hiệu quả trong việc vận động, quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ công quyền. MTTQ và các đoàn thể vận động, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân được phát huy dân chủ, trực tiếp tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Các cấp ủy đảng, người đứng đầu cần nêu cao vai trò gương mẫu trong thực thi công vụ, tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, tổ chức tốt các cuộc đối thoại, hòa giải, tiếp dân, hướng đến tạo sự đồng thuận trong giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Công tác Dân vận khéo cần tiếp tục đi vào trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2020.
NGUYỆT THU