Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực cho địa bàn Tây Nguyên

11:10, 18/10/2017

(LĐ online) - Ngày 17/10, tại thành phố Đà Lạt, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây nguyên; GS-TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng bộ Giáo dục - Đào tạo và PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị về Phát triển giáo dục và đạo tạo vùng Tây Nguyên. 

(LĐ online) - Ngày 17/10, tại thành phố Đà Lạt, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây nguyên; GS-TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng bộ Giáo dục - Đào tạo và PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị về Phát triển giáo dục và đạo tạo vùng Tây Nguyên. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các địa phương, sở giáo dục và đào tạo, đại diện các trường đại học tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
 
Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị
Thượng tướng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị
Theo báo cáo tại hội nghị, mạng lưới trường lớp, quy mô và chất lượng giáo dục các cấp học của vùng Tây Nguyên đã được nâng lên một bước đáng kể so với trước. Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn hiện đã chiếm tỷ lệ trên 98%, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục và đào tạo của vùng cũng đã từng bước được kiên cố; nhiều chương trình, dự án từ các nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ và từ nguồn xã hội hóa phát huy có hiệu quả; tỷ lệ dân số trong độ tuổi qua đào tạo ở Tây nguyên tăng từ 137 sinh viên/vạn dân trong năm 2013 lên 180 sinh viên/vạn dân vào năm 2016.
 
Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt thấp, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu chung, tỷ lệ lao động nghề qua đào tạo tăng chậm, sinh viên người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ thấp, giáo viên và đội ngũ dạy nghề còn thiếu, các điều kiện về cơ cở vật chất còn gặp rất nhiều khó khăn...
 
GS-TS Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Tây Nguyên tồn tại nhiều yếu kém, như quy mô giáo dục phát triển nhanh nhưng mạng lưới cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng kịp, dẫn đến kết quả giáo dục chưa thật sự bền vững. Tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số còn thấp; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ sở vật chất các trường còn nhiều khó khăn. Do đó, việc đầu tư giáo dục bên cạnh nói lực của ngành thì rất cần sự quyết tâm chung cấp các cấp, các ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Ban chỉ đạo Tây Nguyên và cấp ủy, chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, dân số 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là hơn 5,5 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,8%. Việc đạo tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên có nâng lên nhưng vẫn chậm và không đều. Để Tây Nguyên có được nguồn nhân lực tại chỗ thì phải coi phát triển Giáo dục - Đào tạo không chỉ của vùng mà của của chung cả nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giải quyết bài toán về đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh - quốc phòng trong vùng.
 
Tạ Quang Thành