Hồ Chí Minh yêu cầu đối với cán bộ kiểm tra của Ðảng

08:10, 10/10/2017

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra của Ðảng chiếm một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người về xây dựng Ðảng. Tháng 10/1947, với bút danh X.Y.Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, sai lầm của cán bộ. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra của Ðảng chiếm một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người về xây dựng Ðảng. Tháng 10/1947, với bút danh X.Y.Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, sai lầm của cán bộ. Ðể khắc phục các sai lầm đó, đưa Ðảng tiến lên, Người nêu nhiều quan điểm chỉ đạo yêu cầu sửa đổi lối làm việc của Ðảng nói chung và công tác kiểm tra của Ðảng nói riêng. 
 
V. I. Lênin từng nói: công tác kiểm tra, kiểm soát là một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền, không làm tốt công tác kiểm tra thì nghị quyết, mệnh lệnh của Đảng “sẽ chỉ là mớ giấy lộn”. 
 
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: kiểm tra, kiểm soát là một trong những chức năng lãnh đạo của Ðảng, là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng. 
 
Từ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, Hồ Chí Minh nêu lên năm yêu cầu đối với cán bộ làm công tác này: 
 
Thứ nhất, phải “đến tận nơi, xem tận chỗ” chứ không phải là ngồi bàn giấy chờ nghe báo cáo; kiểm tra phải thiết thực; có hình thức giúp đỡ cơ sở, giúp đỡ cấp dưới: “không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đến tận nơi”. Hồ Chí Minh ghét thói quan liêu, bàn giấy, hội họp nhiều. Người thường xuyên nhắc nhở các đồng chí cán bộ phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải xem xét người thật, việc thật. Từ đó mới có sự đánh giá đúng đắn, khách quan về cán bộ và công việc.
 
Thứ hai, kiểm tra phải có hệ thống, phải được tổ chức chu đáo. “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”. Việc phái người đi kiểm soát phải được cân nhắc kỹ. Đặc biệt là phải quy trách nhiệm đối với cán bộ kiểm tra: “Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào, nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”. Việc quy trách nhiệm phải đi liền với xử lý vi phạm một cách nghiêm minh và khuyến khích, biểu dương những đơn vị và cá nhân làm tốt. Phải dùng cách tự phê bình và phê bình để phát hiện chỗ sai; điểm yếu: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. 
 
Kiểm tra, phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình và của mình, mục đích là giúp nhau sửa chữa khuyết điểm và cùng tiến bộ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.
 
Thứ ba, về cách kiểm tra, kiểm soát phải linh hoạt. Kiểm soát có hai cách, cách từ trên xuống là người lãnh đạo kiểm soát kết quả những công việc của cán bộ mình. Cách nữa từ dưới lên, là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo và cách sửa chữa sai lầm đó: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng. Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Cũng như Lênin, Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc những cơ quan, cán bộ mắc bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị... Họ quên mất kiểm tra: “Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”, dẫn đến hậu quả là có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Người cho rằng, những người đó không làm được việc, phải thải đi. Từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”. 
 
Thứ tư, cán bộ kiểm tra phải là người vừa có năng lực, vừa có uy tín, đồng thời phải biết dựa vào quần chúng. Hồ Chí Minh viết: “muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm, hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Người có uy tín trong công tác kiểm tra, giám sát cũng đồng thời là sự khẳng định về trình độ năng lực và phương pháp, tác phong công tác của họ. Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ làm công tác kiểm tra phải biết dựa vào quần chúng. Công tác kiểm tra không chỉ giúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; ngăn ngừa khuyết điểm, sai lầm, giúp đỡ, sửa chữa mà còn khơi dậy được tính tích cực, sức mạnh to lớn của nhân dân, củng cố uy tín của Đảng trước quần chúng. Vì vậy, để xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì ngoài việc kiểm tra của Đảng đối với cán bộ, đảng viên, cần phải có sự kiểm tra của quần chúng nhân dân đối với Đảng, có như vậy mới thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Người chỉ rõ: “... so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, ta phải hợp tác với những người ngoài Đảng... Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng...” và căn dặn: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không”.
 
70 năm đã trôi qua, kể từ khi tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ra đời, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, nhưng những nguyên lý về kiểm tra, kiểm soát của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. 
 
Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, xử lý kịp thời, nghiêm minh tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những hành vi dung túng, bao che khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Nghiên cứu tăng thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng cho ủy ban kiểm tra các cấp. Kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các cơ quan chức năng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi, “tư duy nhiệm kỳ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
 
Tại Nghị quyết 04/NQ-TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta đã chỉ rõ vấn đề “chậm xây dựng, hoàn thiện tổ chức và cơ chế giám sát trong Đảng và trong hệ thống chính trị, giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên”, “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái”. 
 
Suy ngẫm những bài học lý luận và thực tiễn về công tác kiểm tra của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc cách đây 70 năm càng thấy những luận điểm Người nêu ra vô cùng sâu sắc trong giai đoạn hiện nay, khi mà những đòi hỏi của thực tế trong hoàn cảnh mới đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện hoạt động của Đảng và chính quyền, của cán bộ làm công tác kiểm tra, xây dựng niềm tin vào chính quyền trong nhân dân.
 
ThS PHẠM KIM QUANG
(Trường Chính trị tỉnh Lâm Ðồng)