Khảo sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hoá

04:10, 13/10/2017

(LĐ online) - Ngày 13/10/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hoá tại 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Cùng dự làm việc có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, giáo dục, đầu tư kế hoạch, tài chính và đường sắt Việt Nam.

(LĐ online) - Ngày 13/10/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật về di sản văn hoá tại 2 di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Cùng dự làm việc có đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, giáo dục, đầu tư kế hoạch, tài chính và đường sắt Việt Nam.
 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khảo sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật di sản tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khảo sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật di sản tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Ga Đà Lạt và Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là 2 công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng từ đầu thứ kỷ XX. Trải qua gần 100 năm, với vẻ đẹp và sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, năm 2001 hai công trình đã được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Thời gian và tác động của con người, các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Với Ga Đà Lạt, ngay sau khi được công nhận là di sản văn hoá quốc gia, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và kinh phí chủ động của ngành đường sắt Việt Nam đã tiến hành tu bổ, tôn tạo cảnh quan khu vực I, phục chế xe lửa, không ngừng phát huy giá trị di sản, hàng năm đón hàng triệu lượt khách tham quan, chụp hình, du lịch tàu lửa trên tuyến Ga Đà Lạt – Trại Mát. 
 
Tuy nhiên, khu vực II diện tích nhà ga bị xâm lấn, chưa có hàng rào bảo vệ phân giới với khu dân cư Phạm Hồng Thái, một số hộ dân trồng rau sản xuất trên đất chuyên dụng của di sản, đường dân sinh vẫn lồng ghép trong nhà ga, nhà xưởng sửa chữa đầu máy toa tàu xuống cấp chưa được trùng tu. Trong thời gian tới, ngành đường sắt Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc trùng tu bảo tồn di sản, coi đó là nhiệm vụ trong việc đầu tư kinh doanh phục vụ du lịch của đơn vị. 
 
Với Di tích Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, vừa là di sản văn hoá lại vừa là cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo. 15 năm được công nhận là di tích văn hoá quốc gia, tuy xuống cấp nghiêm trọng nhưng công trình chưa được trùng tu một cách đồng bộ do khúc mắc ở nhiều cấp nhiều ngành cùng quản lý. Hàng năm Di tích chỉ được tu sửa cấp thiết (lợp mái chống dột, chống thấm, gia cố, tu sửa chắp vá...) để phục vụ việc giảng dạy. Di tích còn có dấu hiệu bị xâm lấn, từ 33,96 ha khi lập hồ sơ di tích, đến nay chỉ còn 10 ha, diện tích sử dụng thực là 8,3 ha; bên cạnh đó 56 hộ gia đình là các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của trường đang sinh sống ngay trong phạm vi di tích đang là bài toán khó trong việc giải toả, di dời các hộ dân ra khỏi trường học – di tích để bảo vệ nguyên vẹn di sản. 
 
Nhằm gìn giữ nguyên vẹn và đầy đủ di tích, không để tổn thất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hứa sẽ kiến nghị với Bộ Xây dựng – Bộ GD-ĐT – Bộ VH-TT-DL: Cần có một cơ chế đặc biệt cho di tích lịch sử - văn hoá Trường CĐSP Đà Lạt, cần nhanh chóng lập đoàn khảo sát, đánh giá kiểm định sự xuống cấp của di tích một cách đầy đủ, toàn diện, nghiêm túc; từ đó đưa ra phương án trùng tu bảo tồn một cách đồng bộ, tránh để di tích trở thành phế tích.  
 
QUỲNH UYỂN