Phong cách dùng người của Hồ Chí Minh

09:10, 09/10/2017

Một trong những phong cách độc đáo của Hồ Chí Minh chính là nghệ thuật dùng người. Bác sử dụng con người rất tài tình. Suốt cuộc đời làm cách mạng, quy tụ xung quanh Bác là rất nhiều tinh hoa của dân tộc: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, Trường Chinh, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Thất Tùng… 

Một trong những phong cách độc đáo của Hồ Chí Minh chính là nghệ thuật dùng người. Bác sử dụng con người rất tài tình. Suốt cuộc đời làm cách mạng, quy tụ xung quanh Bác là rất nhiều tinh hoa của dân tộc: Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, Trường Chinh, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Thất Tùng… Tất thảy đều là những người tài đức vẹn toàn, họ đã sống, chiến đấu, lao động để cùng Bác cứu nước và kiến quốc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài. Ảnh tư liệu

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ đến thế mà ta thấy những cán bộ được Bác chọn và giao việc đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một trong những điều bí ẩn mà ta vẫn chưa hiểu được là tại sao Bác lại nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong một con người nho nhã, thư sinh như Võ Nguyên Giáp, một người trước khi đến với Bác chỉ đơn thuần là một thầy giáo dạy Sử, không được đào tạo trong bất kì một trường quân sự nào cả, hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà khi được Bác tin tưởng “Chú là tướng biên ải, tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau”, Võ Nguyên Giáp đã làm nên những chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hay như cách mà Bác phong Tướng cho Võ Nguyên Giáp cũng thật là tài tình, thật mà như không. Khi các nhà báo quốc tế hỏi Bác “Thưa Chủ tịch, ngài phong cho ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng là phong theo tiêu chí nào?”, câu hỏi thật là hóc búa. Bác trả lời “Nước tôi là nước du kích, chúng tôi đánh giặc theo lối du kích thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy xứng đáng là Đại tướng thôi”. Câu trả lời rất đơn giản, mà sự thật hiển nhiên là vậy. Có lẽ trong lịch sử quân sự thế giới cho đến giờ không có kiểu phong tướng nào như của Bác Hồ cả. Sau này, khi tên tuổi của Đại tướng vang danh khắp thế giới, sánh ngang với Napoleon, Kutudop… thì lại càng khẳng định sự chính xác và tài phát hiện, sử dụng con người của Bác.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban Dân tộc giải phóng về đến Hà Nội, chuyển thành Chính phủ lâm thời, mặc dù chính quyền vừa được thành lập còn rất non trẻ, nhưng cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng con người đã góp phần giúp cho chính quyền cách mạng vượt qua muôn ngàn khó khăn, sóng gió. Năm 1946, Bác có bài viết “Tìm người tài”, trong đó hướng dẫn cụ thể cho các cấp chính quyền là khi phát hiện thấy người tài thì báo ngay để Chính phủ đi gặp người đó và giao trọng trách cho họ. Tìm được rồi thì phân công công việc và có chính sách đãi ngộ. Chủ trương của Bác lúc bấy giờ là đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, công nông hóa trí thức, trí thức hóa công nông. Tất cả những trí thức Việt Nam đều tập hợp dưới lá cờ của Đảng. Rất nhiều bậc nhân sĩ, trí thức tài cao đức trọng, các giáo sĩ, quan lại, khâm sai đại thần cho đến vị vua đã thoái vị như Bảo Đại đã được Bác Hồ cảm hóa, vận động, thuyết phục họ tham gia chính quyền cách mạng. Chẳng thế mà những quan chức cấp cao của Triều đình Huế, của Chính phủ Trần Trọng Kim như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe; các chức sắc tôn giáo như Phạm Bá Trực, Cao Triệu Phát; các thủ lĩnh dân tộc như Vi Văn Định, vua Mèo... cũng theo và giúp Bác, giúp cách mạng. 
 
Tấm lòng vì đại nghĩa, vì dân tộc của Bác đã kêu gọi được những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài theo về phục vụ cách mạng như Trần Đại Nghĩa ở Pháp, Lương Định Của ở Nhật… Cái cách mà Bác kêu gọi, đoàn kết nhân sĩ, trí thức vì sự nghiệp cách mạng cũng rất độc đáo. Có lần Bác gọi ông luật sư Hồ Đắc Điềm đến, ông này là con gia đình quý tộc, 30 tuổi đã là tiến sĩ Luật học ở Paris và nói “Bác biết chú là người nhiều chữ, theo Bác, chú nên san sẻ bớt cho người ít chữ”. Không cần nói khái niệm sách vở, trước một trí thức chỉ cần trái tim và tấm lòng chân thành. Chỉ vì câu nói đó của Bác mà luật sư Hồ Đắc Điềm dành cả cuộc đời dạy chữ cho dân. Khi sang Pháp để đàm phán dài ngày sóng gió với nước Pháp khi họ đang dã tâm chiếm nước ta lần nữa, Bác tìm kĩ sư Phạm Quang Lễ (sau này được chính Bác đặt tên là Trần Đại Nghĩa), chuyên gia sản xuất vũ khí của cả Đức và Pháp, lương tháng mấy chục lượng vàng, đang sống trong nhung lụa, Bác thuyết phục về với Bác, với nhân dân để đánh đuổi thực dân Pháp mà ông đã về thanh thản, nhẹ nhõm như không. 
 
Đã dùng là phải tin tưởng. Còn nhớ năm 1946, trước khi lên đường thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành, quyền Chủ tịch nước: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong tình thế đất nước phức tạp, thù trong giặc ngoài như vậy mà Bác lại giao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ là người ngoài Đảng như cụ Huỳnh cũng là một quyết định táo bạo của Bác, thể hiện sự tin tưởng của Bác đối với trí thức, nhân sĩ vì Bác biết không chỉ cụ Huỳnh mà rất nhiều người Việt Nam yêu nước theo Bác, theo cách mạng với một tấm lòng thành là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì bất cứ mục đích riêng của đảng phái hay cá nhân nào. 
 
Vận dụng phong cách dùng người của Bác, vào thời điểm này, Đảng ta từ cơ sở đến Trung ương đang thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Đây là công việc hệ trọng của Đảng để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo lớp cán bộ kế cận, đủ sức lãnh đạo đơn vị, địa phương, đất nước. Công tác quy hoạch được triển khai thực hiện với quy trình khoa học, chặt chẽ, đó là việc cần thiết. Chúng ta tin tưởng vào thế hệ cán bộ trẻ trung, được đào tạo bài bản, lớp cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tin là như vậy, và khi đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó những trọng trách, đội ngũ cán bộ sẽ đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích tập thể lên trên hết. Để làm được điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
TRẦN TRUNG HIẾU