Ở đâu cũng rừng, đi đâu cũng rừng (bài 3)

09:10, 31/10/2017

Tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 khóa IX, ngày 12/7/2017, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "QLBV&PTR được xem như là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau thu ngân sách"; và "Trong chuyển biến cũng cảm thấy lo lắng, trong những tiến bộ chúng ta cũng thấy những đắn đo, trong những thành tích chúng ta cũng thấy những cái đang tồn tại, yếu kém".

Thành tích lùi sau, thách thức phía trước
 
[links()] Tại phiên bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 khóa IX, ngày 12/7/2017, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “QLBV&PTR được xem như là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau thu ngân sách”; và “Trong chuyển biến cũng cảm thấy lo lắng, trong những tiến bộ chúng ta cũng thấy những đắn đo, trong những thành tích chúng ta cũng thấy những cái đang tồn tại, yếu kém”. Đó là niềm vui gắn với trách nhiệm và trăn trở của vị đứng đầu chính quyền tỉnh, người đồng thời giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy và vai trò Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng muốn gửi gắm đến toàn Đảng bộ và cử tri trong tỉnh.  
 
Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu về diện tích trồng rừng, trồng cây phân tán ở Tây Nguyên. Ảnh: M.Đạo
Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu về diện tích trồng rừng, trồng cây phân tán ở Tây Nguyên. Ảnh: M.Đạo
Độ che phủ rừng nhanh
 
Tỷ lệ độ che phủ rừng ở Lâm Đồng ngày càng tăng cao nhất khu vực Tây Nguyên một phần có hành động quyết liệt về QLBVR như đã nêu ở bài báo trước, phần khác, đặc biệt là tích cực trồng và chăm sóc rừng. Ở Lâm Đồng, tổng diện tích rừng chăm sóc hiện nay là 497,64 ha thuộc rừng thay thế và 139,1 ha rừng sau giải tỏa. Riêng rừng trồng, các năm gần đây đạt trên 90% đến gần 100% kế hoạch: năm 2014, trồng được 250.932 cây; kinh phí đầu tư hơn 5,122 tỷ đồng; năm 2015 trồng 230.721 cây, kinh phí hơn 7,284 tỷ đồng. Năm 2016, trồng hơn 2.058 ha rừng thay thế và gần 471.000 cây phân tán, đạt 100% kế hoạch; chăm sóc rừng trồng các năm đạt 100% kế hoạch với 2.034,4 ha; khoán QLBVR 395.546 ha/418.873 ha, đạt 94,4%. Năm 2017, kế hoạch toàn tỉnh trồng rừng 2.783 ha; chăm sóc rừng trồng các năm 7.357 ha; giao khoán QLBVR 418.500 ha, trồng cây phân tán 143.400 cây; trong đó, 9 tháng đầu năm 2017 đã trồng được 102.356 cây, kinh phí 2,7 tỷ đồng, đạt hơn 70% kế hoạch. 
 
Tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất Đề án trồng cây phân tán trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 với tổng số cây trồng trong 5 năm là 1.297.085 cây; bình quân mỗi năm trồng 259.417 cây; tổng kinh phí đầu tư cả giai đoạn là 24,91 tỷ đồng. 
 
Cũng cần thiết nêu số liệu sau đây của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 14/10/2017: “Khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558,646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015, trong đó, rừng tự nhiên 2.234,441 ha, giảm 11.473 ha, rừng trồng tăng 8.304 ha”. Đáng buồn là trồng mới không bù lấp được mức độ rừng đã mất đi! Chỉ riêng tỉnh Lâm Đồng tăng được 539 ha (rừng tự nhiên giảm 478 ha và rừng trồng tăng 1.017 ha), còn lại cả 4 tỉnh đều giảm: Đắk Nông giảm 2.337 ha, rừng tự nhiên giảm 8.132 ha, rừng trồng tăng 5.785 ha; Gia Lai giảm 1.151 ha, rừng tự nhiên giảm 1.894 ha, rừng trồng tăng 743 ha; Kon Tum giảm 194 ha, rừng tự nhiên giảm 525 ha, rừng trồng tăng 331 ha; Đắk Lắk giảm 180 ha, rừng tự nhiên giảm 597 ha, rừng trồng tăng 417 ha. 
 
Quản trị rừng tổng lực  
 
Hiện thực hóa công tác QLBV&PTR ở Lâm Đồng còn bằng rất nhiều thành tố nội và ngoại lực khác. Đó là triển khai linh hoạt kết hợp, lồng ghép nhiều giải pháp, nhiều kế hoạch, chương trình, dự án... Lâm Đồng là tỉnh tiên phong và đạt hiệu quả cao về các mô hình, từ thành lập Ban lâm nghiệp xã, phát triển kinh tế hộ kết hợp vườn-ao-chuồng-BVR đến chia sẻ lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), quản trị rừng bằng hành động đa dạng sinh học (ĐDSH), khai thác hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế như Kế hoạch hành động REDD+, Dự án “Tăng cường Năng lực quản lý dựa vào cộng đồng” của tổ chức JICA... 
 
Trong 5 năm Lâm Đồng thực hiện chính sách chi trả theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, tổng số tiền đã chi trả cho các chủ rừng để QLBVR khoảng 576,8 tỷ đồng; diện tích rừng được khoán bảo vệ hàng năm từ 272.500 ha (năm 2011) lên 357.650 ha (năm 2015); số hộ được hưởng lợi từ 12.100 hộ (năm 2011) lên 16.400 hộ (năm 2015)... Theo Quyết định 841/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng kinh phí sử dụng DVMTR năm 2016 hơn 280 tỷ đồng; tổng dự toán chi trả hơn 225 tỷ đồng (bao gồm kinh phí giao khoán BVR, quản lý, trồng rừng, trồng cây phân tán...). Năm 2017, tổng diện tích được xác nhận cam kết BVR cung ứng DVMTR 341.892,588 ha...
 
Ngày 22/3/2015, tỉnh Lâm Đồng công bố và triển khai Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh giai đoạn 2016-2020 trước đại diện lãnh đạo các ngành trung ương, các tổ chức quốc tế. Đây là cơ hội lớn để Lâm Đồng nỗ lực thực hiện “hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng”. Mấy năm nay, Lâm Đồng tích cực điều chỉnh theo hướng hạn chế chuyển diện tích đất rừng thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy điện theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch những dự án nhỏ hiệu quả thấp, những dự án chiếm nhiều diện tích rừng, đất rừng. Tại Quyết định 247, ngày 21/1/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng, khái toán tổng nhu cầu vốn để thực hiện là 1.749 tỷ đồng; chủ yếu cho các hoạt động BV&PTR, hỗ trợ sinh kế, xây dựng phương án Quản lý rừng bền vững. Theo đó, năm 2014-2015 là 235 tỷ đồng, từ năm 2016-2020 là 1.114 tỷ đồng, bình quân 222,8 tỷ đồng/năm. Tổng vốn sẽ phân bổ cho các hoạt động trực tiếp làm giảm phát thải và gia tăng khả năng hấp thụ các bon rừng, trong đó, 1.175 tỷ đồng cho BVR và 544 tỷ đồng cho PTR... Chuyên gia các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao và ghi nhận nhiều bài học thành công trong công tác BVR nói chung và chương trình hành động REDD+ của Lâm Đồng. Nhờ đó, nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ nhiệt tình đối với cách làm hay của Lâm Đồng nhằm chia sẻ những kinh nghiệm đến các tỉnh khác. 
 
Trao đổi với lãnh đạo Sở TN&MT Lâm Đồng (cơ quan chủ trì triển khai thực hiện quy hoạch và chương trình hành động ĐDSH), nguyên Phó Giám đốc Lương Văn Ngự từng cho tôi biết: “Thời gian qua, cùng nỗ lực chung của các cấp, các ngành, công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả rất khả quan. Tài nguyên ĐDSH chỉ trở thành sức mạnh kinh tế khi con người biết quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả. Khi đã có định hướng rõ, vấn đề là hành động quyết liệt, đồng bộ, từ các cấp quản lý, cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương liên quan và cộng đồng dân cư…”. Việc ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND, ngày 23/1/2017 “Phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là hành động rất tích cực và đáng khích lệ của tỉnh. Dự án bảo tồn ĐDSH này có tổng kinh phí dự kiến thực hiện các nhóm nhiệm vụ, dự án 1.329,2 tỷ đồng (gồm 3,46% vốn địa phương; 33,13% vốn trung ương; 51,21% vốn xã hội hóa và 12,20% vốn nước ngoài); trong đó giai đoạn 2017-2020 là 510,2 tỷ đồng; từ 2021-2025 là 716,5 tỷ đồng và từ 2026-2030 là 102,5 tỷ đồng. Có như vậy mới giữ được giá trị ĐDSH rất cao ở đây (số liệu mới nhất, các hệ sinh thái trên cạn đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam 2007; 45 loài được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN 2012 và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP...)... 
 
Lâm Đồng đã nỗ lực sắp xếp định cư cho bà con dân tộc H’Mông di cư tự do vào xã Phi Liêng. Ảnh: M.Đạo
Lâm Đồng đã nỗ lực sắp xếp định cư cho bà con dân tộc H’Mông di cư tự do vào xã Phi Liêng. Ảnh: M.Đạo
Khó khăn, thách thức và giải pháp  
 
Ngoài những khó khăn trong công tác QLBV&PTR ở Lâm Đồng như đã nêu ở các bài trước, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa,... vào. Ngày 21/10/2017, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cung cấp cho tôi, chỉ tính riêng DCTD hiện đang ở trong rừng và ven rừng trên địa phận tỉnh là 2.195 hộ, với 7.183 nhân khẩu; bao gồm các huyện: Di Linh 1.552 hộ với 4.656 nhân khẩu, Đam Rông 391 hộ/1.639 khẩu, Lạc Dương 33 hộ/115 khẩu và Bảo Lâm 219 hộ/773 khẩu. 
 
Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; dân số gần 12.100 hộ, gần 49.000 nhân khẩu, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên chiếm tới 73%. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện gần 86.100 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm gần 67.000 ha, hơn 77%. Huyện giáp ranh với huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và huyện Đắk Glong tỉnh Đắk Nông, mấy năm nay, bà con các dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Sán Chỉ từ 9 tỉnh phía Bắc DCTD tràn sang. Đối diện với thực trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực giải quyết bằng đầu tư điện, đường, trường, trạm... và ổn định cuộc sống được bốn điểm định canh, định cư cho 456 hộ dân với 2.291 nhân khẩu tại các xã Rô Men, Phi Liêng và Liêng S’rônh. Tuy nhiên, sau chuyến đi của Phó Chủ tịch Phạm S và các ban, ngành của tỉnh, huyện vòng qua tỉnh Đắk Nông để tiếp cận đầu tháng 3/2017, hiện ở các tiểu khu 180, 181, 182, 179 và khu vực Tây Sơn, xã Liêng S’rônh vẫn là bài toán khó giải vì vướng vào chủ trương quy hoạch 3 loại rừng và gánh nặng vốn đầu tư các cơ sở hạ tầng... Ngày 14/10, kết luận Hội nghị trực tuyến công tác QL, BV&PTR, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ vấn đề này và cho biết sẽ có một hội nghị riêng về DCTD ở Tây Nguyên tới đây. Trong lúc chờ Chính phủ, Lâm Đồng tiếp tục có nhiều biện pháp, giải pháp để giữ cho được rừng và đất rừng. Hiện trên địa bàn huyện Đam Rông còn 612 hộ với 2.852 nhân khẩu dân DCTD chưa thể sắp xếp bố trí ổn định được cuộc sống. 
 
Ông Liêng Hót Ha Hai - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nói với tôi: “Mặc dù vậy, không thể bỏ rơi bà con, địa phương nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra, vận động, tuyên truyền để bảo đảm an ninh trật tự, hạn chế việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, chăm lo về an sinh xã hội như cấp thẻ bảo hiểm y tế, cử đội ngũ y tá, bác sỹ định kỳ vào chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh; đầu tư xây dựng nhà bán trú để vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các hộ DCTD này được tới trường”. Còn ông Phạm S cho biết: “Lâm Đồng đã có ý kiến và đang chờ Chính phủ quyết định để tháo gỡ bằng cách chuyển đổi mục đích quy hoạch rừng. Vẫn theo hướng đưa diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tăng lên để đảm bảo tích cực về mặt môi trường, nhưng quy hoạch lại diện tích 3 loại rừng. Bản thân đất mà số đồng bào DCTD đang ở đây không còn rừng mà là đất nông nghiệp mấy chục năm nay”. 
 
Niềm vui của Lâm Đồng là tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên còn rất cao (hơn 80%) và trữ lượng gỗ rất lớn (hơn 60 triệu m3), nhưng cũng là nỗi lo canh cánh làm sao giữ cho được. Trong khi nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu BV&PTR với mức 10 triệu đồng/ha là còn rất thấp, mặc dù tỉnh đã tích cực vận dụng linh hoạt, nhưng nguồn thu ngân sách của tỉnh chưa cao và đang trong thời kỳ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nên rất khó khăn và bất cập. Ví dụ, công tác đo đạc và lập bản đồ thực hiện sắp xếp đổi mới và phát triển đối với các công ty lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ đến nay Lâm Đồng đã đạt 75% tổng khối lượng. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 28/10/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Do thời gian dài quản lý không chặt chẽ nên không đầy đủ và ranh giới đất đai biến động nhiều; địa hình phức tạp, diện tích đất của các công ty lâm nghiệp manh mún, phân tán trên địa bàn nhiều xã và nhiều khu vực cách biệt nhau, nhiều thửa đất độc lập có diện tích nhỏ nên công tác đo đạc, cắm mốc sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian”. Trong lúc, kinh phí rà soát, đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính và cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty đến nay chỉ bố trí khoảng 43 tỷ đồng/100 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.    
 
Tôi hỏi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S về điều tâm huyết nhất, ông trả lời: “Tâm huyết của tôi, cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh là hiện nay Lâm Đồng có diện tích rừng tự nhiên nhiều, do đó thực hiện công tác QLBVR cho được để giữ được rừng tự nhiên và đảm bảo tính ĐDSH. Thứ hai là Đà Lạt và huyện Lạc Dương là địa bàn nằm phụ cận và trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, do đó công tác QLBVR ở đây tập trung quyết liệt. Triển khai mọi giải pháp trong giai đoạn tới đưa diện tích đất rừng dân lấn chiếm vào trồng rừng để đảm bảo độ che phủ rừng theo Nghị quyết X của Tỉnh ủy là 55% vào năm 2020. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo việc trồng rừng thay thế để tất cả các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc; muốn tạo màu xanh đa dạng thì trồng rừng, trồng cây phân tán luôn luôn phải quan tâm”.    
 
Ông Phạm S cho biết thêm: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất. Có chính sách, giải pháp di dân phù hợp, quy hoạch đất định canh, định cư, hỗ trợ cấp đất sản xuất kết hợp giải quyết việc làm, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào DTTS; tiếp tục kiểm tra thu hồi các dự án thiếu năng lực triển khai hoặc thiếu trách nhiệm để rừng bị xâm hại, xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan đến chức vụ trên lĩnh vực QLBVR. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu để nắm thông tin, lai lịch... của số đối tượng làm thuê (số đối tượng hành nghề thợ rừng gồm: thợ cưa, bốc xếp, vận chuyển...) tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa có các hoạt động khai thác, vận chuyển chế biến lâm sản nhằm phục vụ tốt công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm và vi phạm pháp luật về QLBV&PTR.
 
Đó còn là, lực lượng kiểm lâm chủ động, phối kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an (có kế hoạch, thông tin kịp thời) khi triển khai kế hoạch, nhất là đối với địa bàn trọng điểm, tại những thời điểm nhạy cảm... để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chống người thi hành công vụ, vừa tránh oan sai trong thực thi pháp luật. Đối với các địa bàn giáp ranh, phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy chế phối hợp trong công tác QLBVR; định kỳ tổ chức giao ban nhằm phân tích, đánh giá các mặt làm được, chưa làm được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương cần chăm lo, tạo điều kiện cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập bằng các giải pháp như thâm canh tăng vụ, ứng dụng giống mới, khoa học và sản xuất,...
 
Ghi chép: MINH ĐẠO