(LĐ online) - Sáng ngày 5/10, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố để bàn về tình hình phát sinh và giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
(LĐ online) - Sáng ngày 5/10, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, huyện, thành phố để bàn về tình hình phát sinh và giải pháp xử lý rác thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay.
|
Đồng chí Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo cuộc họp sáng 5/10. Ảnh: C.THÀNH |
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông tin: lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trung bình hằng năm tại Lâm Đồng lên khoảng 4.200-4.600 tấn. Theo ước tính tỷ lệ bao bì/khối lượng thuốc BVTV đối với chai nhựa khoảng 10%, gói và các loại khác khoảng 5%. Trong đó, chai nhựa chiếm 70%, tương đương với lượng bao gói thuốc BVTV thải ra môi trường hằng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 357-391 tấn/năm. Đối với rác thải từ quá trình sản xuất, trong quá trình canh tác rau hoa công nghệ cao đã phát sinh rác thải như khay, nhựa, vỉ xốp, màng phủ luống… với lượng rác thải ước khoảng 1.776 tấn (chủ yếu là nilon). Điều đặc biệt cho tới nay, lượng bao gói, rác thải và tiêu hủy đúng quy định hàng năm chỉ đạt 18,4 tấn/391 tấn (chiếm 4,7%).
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: trong quý I/2017 và dự tính quý I/2018 Sở TN&MT triển khai 4 mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV tại huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đạ Hoai và TP Đà Lạt. Trong đó, ưu tiên cho hai khu vực huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt quanh hồ Đan Kia, hồ cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Dự kiến tháng 10 sẽ tiếp hành lắp đặt các bể chứa và tiến hành hợp đồng với đơn vị xử lý vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải theo ông Phúc vẫn là việc quy hoạch bể thu gom, xử lý chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư còn khó khăn, các huyện chưa xây dựng được lộ trình thực hiện việc thu gom,...
Theo đánh giá của các địa phương, hiện nay, lượng rác thải BVTV trên thực tế người dân thải ra môi trường lớn hơn nhiều số liệu thống kê. Trong khi đó, do kinh phí địa phương dành cho vấn đề xử lý môi trường còn thấp (khoảng 1,5 tỷ đồng), riêng kinh phí tỉnh bố trí vào khoảng 3 tỷ đồng/năm nên chưa phát huy hiệu quả cao. Đồng thời, việc vận động xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải còn thấp, chỉ có một số ít doanh nghiệp đồng ý tài trợ cho chương trình thu gom rác thải nên chưa có chuyển biến rõ rệt.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Đoàn Văn Việt nhận định: UBND các huyện, thành phố, các ban ngành liên quan đã đánh giá được tác động của việc rác thải nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, sức khỏe người dân nên đã có nhiều giải pháp, mô hình xử lý tác thải, gói thuốc BVTV trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc xử lý thu gom, vận chuyển rác thải nông nghiệp nhìn chung hiệu quả còn thấp, giải pháp còn thiếu quyết liệt, đồng bộ.
Chính vì vậy, thời gian tới các cấp ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức đoàn thể phải chung tay đẩy mạnh các giải pháp, mô hình thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt là công tác tập trung tuyên truyền tới từng người dân, doanh nghiệp, HTX, công ty trực tiếp sản xuất nông nghiệp về tác hại của rác thải thuốc BVTV để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người tới sức khỏe cộng đồng; các tổ chức đoàn thể phải chung tay thực hiện để các mô hình, kế hoạch đạt hiệu quả thiết thực. Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, trong khi việc chế tài, xử phạt, quản lý vấn đề trên còn hạn chế thì hoạt động tuyên truyền đặc biệt quan trọng.
Ngoài việc ngân sách nhà nước đầu tư, UBND tỉnh cũng chủ chương đa dạng các hình thức xã hội hóa mọi nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp. Việc xã hội hóa UBND huyện, thành phố xây dựng chi tiết kế hoạch trình UBND phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Riêng các sở, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ cụ thể tới các địa phương đúng theo Kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu gom nước, vận chuyển và xử lý nước thải, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
C.THÀNH