Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Do đó, từ rất sớm Người đã dày công vun đắp để đào tạo cho Ðảng, cho đất nước một đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, vừa hồng lại vừa chuyên, xứng đáng với vinh dự “là người lãnh đạo nhân dân” và với trách nhiệm “là người đày tớ trung thành của nhân dân”.
Vì lẽ đó, Người luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, lời nói đi đôi với hành động và hiệu quả trên thực tế. Người chỉ rõ: “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ và cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng. Người cho rằng: “Đạo đức, ngày trước chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước, phải hiếu với toàn dân, đồng bào”. Người luôn luôn coi trọng phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đặc biệt Người chú trọng giáo dục, rèn luyện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là nét đặc trưng của đạo đức, là điều không thể thiếu của người cán bộ. Người cho rằng: “Để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có bốn đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính” và “có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới trở nên liêm, chính để cho người ngoài kính nể được”.
Tầm quan trọng của đạo đức bao giờ cũng được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu. Đạo đức cách mạng tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên và theo Người “Một cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng… muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: trí - tín - nhân - dũng - liêm” hay “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng, phải biết phê bình và tự phê bình, phải biết kỷ luật” và “Cần trau dồi tư tưởng, đạo đức cho người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”... Đó là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Và Người cho rằng, cách mạng muốn thắng lợi, cùng với giác ngộ chính trị, tăng cường sức mạnh tổ chức, thì phải có sức mạnh về đạo đức bằng sự tu dưỡng, rèn luyện. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ bài giảng đầu tiên cho thế hệ thanh niên yêu nước, cho đến tác phẩm đỉnh cao cuối cùng của cuộc đời là bản Di chúc, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và tu dưỡng đạo đức, coi đạo đức là gốc của người cách mạng.
Người khẳng định: “Năng lực của cán bộ không phải hoàn toàn do tự nhiên có, mà phần lớn do công tác, do có sự rèn luyện”; “Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người”. Chính vì vậy, Người yêu cầu mỗi người cán bộ luôn luôn phải biết chăm lo, rèn luyện, học tập không ngừng, chính Người cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự học, rèn luyện nâng cao trình độ, không ngừng học tập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng.
Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức, nhưng Người cũng rất quan tâm đến tài năng, trí tuệ và luôn tạo điều kiện để cho mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho xã hội, vì đạo đức là nền tảng cho tài năng phát huy và tài năng là thể hiện cụ thể của đạo đức trong hiệu quả hành động. Bác nói: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng… Đức phải có trước tài”; “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. “Tài” của người cán bộ phải được nhìn nhận, đánh giá theo từng loại công việc và vì thế phải tìm chọn cán bộ có tài và bố trí phù hợp với yêu cầu sử dụng của từng nhiệm vụ. Người căn dặn: “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”; “Tài to ta dùng cho việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Người cho rằng: “Kiến thiết cần có nhân tài… nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng phát triển càng thêm nhiều”…
Có thể thấy, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, bổ sung cho nhau, làm phong phú lẫn nhau. Hồ Chí Minh cho rằng đức là cơ sở, là nền tảng của tài. Đức định hướng lý tưởng, hành động vươn tới cái tài. Mặt khác, tài là sự thể hiện của đức trong việc phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Có tài mới phát huy được đức, làm cho đức càng cao, càng lớn hơn. Không có tài thì mọi lý tưởng, hoài bão, khát vọng tốt đẹp không bao giờ trở thành hiện thực.
Đức và tài của người cán bộ hiện nay cần phải cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn chức danh đối với mỗi chức vụ, cương vị công tác, nhất là các tiêu chí mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Vấn đề đào tạo, sử dụng, đánh giá cán bộ phải được gắn với đức - tài được hiểu một cách khoa học, đầy đủ. Đức và tài của người cán bộ đạt đến trình độ nào thì phải lựa chọn bố trí họ ở cấp và vị trí tương xứng. Nhưng vấn đề có tính nguyên tắc cần khẳng định là, đã là người cán bộ cách mạng thì phải có đủ đức, đủ tài tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, không thể châm chước bất cứ một tiêu chuẩn nào. Chính vì vậy cần: “xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị” (phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII).
Với ý nghĩa sâu sắc cả về thực tiễn và lý luận đối với việc rèn luyện “đức” và “tài” của cán bộ, đảng viên, những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, đưa mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến toàn thể nhân dân thì việc rèn “đức” luyện “tài” trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong thời điểm chúng ta đang tiến hành xây dựng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
HỒNG VĨNH