5 đề xuất của Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp

05:11, 01/11/2017

(LĐ online) - Chiều ngày 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có bài phát biểu thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 từ báo cáo của Quốc hội tới các đại biểu trên cả nước.

(LĐ online) - Chiều ngày 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có bài phát biểu thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 từ báo cáo của Quốc hội tới các đại biểu trên cả nước. Từ thực tế của địa phương, đồng chí Đoàn Văn Việt đề xuất Quốc hội 5 vấn đề nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển trong thời gian tới. 
 
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 1/11. Ảnh: chụp lại từ màn hình truyền hình trực tiếp trên Đài VTV1
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 1/11. Ảnh: chụp lại từ màn hình truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1
Theo đồng chí Đoàn Văn Việt, Lâm Đồng hiện có hơn 300.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đã triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hơn 18% diện tích. Nhờ ứng dụng đồng bộ các giải pháp về giống, về công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến từng bước tiếp cận với nông nghiệp thông minh chất lượng và sản lượng các cây trồng chủ lực tiếp tục tăng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Từ thực tế đó đã thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các hợp tác xã, hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Hình thành nhiều hình thức liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở hợp đồng kinh tế cùng có lợi. Đồng thời, cũng mở ra hướng đi mới là du lịch canh nông, cũng như việc hình thành các làng hoa, các tổ hợp tác, trang trại về du lịch. 
 
Tuy nhiên, việc phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương đặt ra. Đến nay, toàn tỉnh mới có 2 liên hiệp HTX, 115 HTX, gần 200 tổ hợp tác với 8.000 thành viên. Số lượng này mới chiếm chưa tới 9% so với tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Về vốn hoạt động của các HTX chỉ dừng ở mức bình quân khoảng 1,8 tỷ/HTX. Thu nhập của các thành viên giữa các HTX chưa đồng đều, đầu ra các sản phẩm còn bấp bênh, hình thức liên kết còn nhiều lỏng lẻo, bất cập. 
 
Để giải quyết bài toán trên, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đồng chí Đoàn Văn Việt đề xuất 5 vấn đề phát triển nông nghiệp tới Quốc hội. Cụ thể:
 
Một là: Tập trung quán triệt nội dung, quan điểm mới về kinh tế tập thể và HTX, nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân về vai trò của HTX trong việc kết nối tạo nên chuỗi liên kết bền vững, cũng như nâng cao chất lượng, sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích nông dân tự nguyện tham gia các hình thức liên kết, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho thành viên và cho cộng đồng, xã hội.
 
Hai là: Vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 107 kịp thời sửa đổi các vướng mắc về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX trong hoạt động nông nghiệp, tỷ lệ cung ứng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập cần rà soát qua 5 năm thực hiện luật HTX để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những rào cản, tạo ra sự đột phá cho sự phát triển HTX như: Quy định số lượng thành viên HTX, nới rộng tỷ lệ góp vốn của các thành viên,…
 
Ba là: Chúng ta cần có cơ chế rõ ràng hơn để thu hút các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức tín dụng cùng các HTX, người nông dân để tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong mô hình liên kết, quy trình canh tác, chuyển đổi giống, quy mô sản xuất,… tạo ra nền sản xuất hàng hóa với chất lượng hàng hóa cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong cũng như ngoài nước.
 
Bốn là: Chính phủ cần xây dựng chính sách vĩ mô toàn diện, dành nguồn lực thỏa đáng đối với lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ, phù hợp với từng vùng miền, khu vực. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng sản xuất tự phát, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh. Thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường, cần hình thành liên kết giữa HTX, các tổ hợp tác, các hộ nông dân với doanh nghiệp để phát triển nhiều loại hình, trong đó có du lịch canh nông.
 
Năm là: Cần tạo môi trường thuận lợi, cũng như thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo trong HTX, trong hợp tác liên kết sản xuất nông nghiệp để thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch với các vùng nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp quy mô tại Lâm Đồng cũng như các vùng khác trong cả nước. 
 
C.THÀNH