Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong 2 ngày 27-28/11, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có những buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri tại các địa phương.
Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong 2 ngày 27-28/11, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã có những buổi tiếp xúc với đông đảo cử tri tại các địa phương.
* Tại TP Đà Lạt, ngày 27/11, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng gồm bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cán bộ giảng viên, sĩ quan, chiến sĩ Học viện Lục quân và hơn 300 cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện đang công tác tại các phường, xã trên địa bàn thành phố.
Cử tri tại các điểm tiếp xúc đã nghe ông Nguyễn Tạo báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 23/10 đến 24/11/2017. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo thuận, thông qua 6 luật và cho ý kiến về 9 dự án luật; đồng thời, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác như về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… Cử tri cũng đã nghe ĐBQH báo cáo một số kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng trong năm 2017 và tại kỳ họp thứ 4 cũng như báo cáo kết quả khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng năm 2017.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri mong muốn ĐBQH cần có phương án cụ thể để giải quyết chính sách nhà ở, đất ở cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan Học viện; tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình quân dân y kết hợp. Cử tri còn có ý kiến về vấn đề lưu hành và sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam. Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, cử tri đặt vấn đề liên quan đến tình trạng thừa và thiếu giáo viên cục bộ đang tồn tại giữa các vùng miền cũng như tình trạng bạo lực học đường, bạo lực với trẻ em diễn ra ngày càng phổ biến... Liên quan đến lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, cử tri kiến nghị tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng của thành phố Đà Lạt để xứng tầm với đô thị loại 1 và tận dụng những cơ chế đặc thù mà Chính phủ công nhận cho thành phố Đà Lạt…
Về vấn đề lưu hành đồng tiền ảo Bitcoin, bà Trương Thị Mai giải trình cụ thể là cho đến nay vẫn chưa có một văn bản nào của Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động, có nghĩa là hoạt động ngoài pháp luật, khuyến cáo người dân thận trọng không nên đầu tư, khi xảy ra thiệt hại, rủi ro thì sẽ không có cơ quan pháp luật nào đứng ra xử lý, giải quyết.
Thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, bà Trương Thị Mai cũng đã ghi nhận những ý kiến của cử tri phản ánh. Những kiến nghị nằm ngoài thẩm quyền đoàn sẽ trình lên Quốc hội và các bộ, ngành xem xét giải quyết trong thời gian tới.
* Ngày 28/11, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng gồm ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Văn Hiển - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) và xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh).
|
Cử tri xã Quảng Trị phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc |
Tại các buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đã thông tin khái quát đến cử tri diễn biến và kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; thông qua 6 luật và cho ý kiến về 9 dự án luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường thúc đẩy công tác đối ngoại trong tình hình mới. Ngoài ra, Đoàn cũng đã thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện trong năm 2017; phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 xã đã phát biểu nhiều ý kiến liên quan đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Đặc biệt, cử tri của cả 2 địa phương đều quan tâm đến vấn nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai gây sạt lở đất sản xuất của người dân và biện pháp xử lý của các ngành chức năng. Cử tri xã Tư Nghĩa đã đề xuất, kiến nghị các ý kiến như: Các chế độ chính sách đối với người tham gia kháng chiến; việc giải tỏa đền bù các công trình trên địa bàn huyện Cát Tiên; hỗ trợ các nguồn vốn đối với hộ thiệt hại do dịch trên cây điều, giúp nông dân vay vốn; đầu tư hệ thống nước tưới tiêu, điện thắp sáng nông thôn đồng đều và đảm bảo cho các khu vực; công tác quản lý bảo vệ rừng, tinh giản biên chế, phòng chống tham nhũng… Còn tại xã Quảng Trị, cử tri cũng đã quan tâm đến các vấn đề về đầu ra cho nông sản, việc tiêu thụ, quản lý giá cả; công tác đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vấn đề nước sạch, các công trình thắp sáng đường quê ở địa phương; quan tâm đời sống người cao tuổi… Đặc biệt cần xử lý nghiêm và mạnh tay với việc gây ô nhiễm môi trường và các vấn đề về phòng chống tham nhũng...
Các ý kiến kiến nghị đề xuất của cử tri 2 xã đã được lãnh đạo địa phương tiếp thu và giải trình cụ thể. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV cho rằng sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương, với lãnh đạo tỉnh để phúc đáp với cử tri trong thời gian tới. Các ý kiến, kiến nghị khác của cử tri sẽ được Đoàn tổng hợp trình Quốc hội.
* Ngày 28/11, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng gồm các ông: Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng và Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã lần lượt có các buổi tiếp xúc với cử tri xã N’Thol Hạ (Đức Trọng) và xã Lạc Lâm (Đơn Dương).
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri xã N’Thol Hạ nêu kiến nghị: Khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển nhượng đất; giá cả nông sản bấp bênh, nhất là cà phê, rau màu, ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân; việc quản lý giá phân, thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lỏng lẻo. Ngoài ra, nhiều cử tri cũng mong muốn Nhà nước cần có các biện pháp quản lý chặt thuốc tây; Quốc lộ 27 đã hư hỏng nặng, cần sớm sửa chữa, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện hơn…
Các cử tri xã Lạc Lâm cũng nêu một số kiến nghị: Mức hỗ trợ của Nhà nước 200 ngàn đồng/sào rau màu bị thiệt hại trong đợt xả lũ vừa qua là khá khiênm tốn. Ngoài ra, người dân Lạc Lâm cũng cho rằng, việc quản lý phân bón, thuốc BVTV còn buông lỏng, hầu như không có cửa hàng nào thực hiện việc niêm yết giá. Các ý kiến khác cũng cho rằng, đường liên xã trên địa bàn huyện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần có cơ chế bảo trì đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, chuyên chở hàng hóa; mương thoát nước trên địa bàn xã Lạc Lâm phải được đầu tư xây dựng quy mô và đồng bộ hơn vì mỗi khi trời mưa, đoạn quốc lộ qua xã Lạc Lâm lại bị ngập…
Các ý kiến của các cử tri thuộc thẩm quyền của xã, huyện đã lần lượt được lãnh đạo các địa phương tiếp thu và giải trình; các ý kiến khác cũng được các ĐBQH tiếp thu, giải trình tại buổi tiếp xúc, hoặc hứa trình các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
N.THU - Ð.ANH - T.VŨ