Ðạo đức là gốc của người cách mạng

08:11, 30/11/2017

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong 10 phương hướng, nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng đề ra, đã xác định phải "tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng". 

Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, trong 10 phương hướng, nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng đề ra, đã xác định phải “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Theo đó, phải tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.
 
Đạo đức là gì? Có nhiều quan niệm khác nhau như: Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quyết định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Ngoài ra, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn nhất định mà có… Nhưng nhìn chung có một quan niệm được xã hội thừa nhận: Đạo đức là gốc, là nền tảng của con người và xã hội. Xã hội càng phát triển, hội nhập càng phải chăm lo vun dưỡng đạo đức xã hội. Đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, vấn đề xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng luôn được chú trọng.
 
Khẳng định đạo đức là cái gốc của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, nêu lên 23 điểm về “tư cách một người kách mệnh”, trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về đạo đức, thể hiện tập trung ở ba mối quan hệ: với mình, với người và với việc. Năm 1947, Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khó. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Đạo đức cách mạng là thước đo lòng cao thượng của mỗi người “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”. Đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối. Bác viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.  
 
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay đang đặt ra vấn đề với các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên cần sớm xây dựng các quy định về đạo đức công vụ, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, kèm theo các yêu cầu bắt buộc, cùng các chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. Các tiêu chí về đạo đức công vụ phải cụ thể, rõ ràng và khả thi; có thể kiểm tra, đánh giá; có thể theo dõi, giám sát. Trong các tiêu chí, cần đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ với nhân dân trên cả hai phương diện: Nhân dân là đối tượng được phục vụ và nhân dân là chủ thể giám sát, kiểm tra, theo dõi thực hành công vụ. Phải xác định rõ những nội dung nào cần công khai, minh bạch, đảm bảo yêu cầu phát huy dân chủ trong thực hành công vụ. Nhất là những quy định về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu về cả tiền bạc, vật chất, thời gian. Tinh thần, thái độ, sự tận tụy đối với công việc cần được lượng hóa thành các quy định cụ thể. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với các vi phạm quy định và xác định cơ quan có chức năng xử lý vi phạm. Phải có những quy định để ràng buộc giữa lời nói và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm nói đi đôi với làm, nói thì phải làm và làm cho được. Nếu nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo thì phải bị xử lý kỷ luật. 
  
Cùng với xây dựng các quy định, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc: các cấp, các ngành nếu tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát cũng như “ngọn đèn pha”, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm chúng ta đều biết rõ… Do vậy, các tổ chức đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với việc xây dựng, thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, phong cách lãnh đạo của người đứng đầu các cấp. Kiểm tra, giám sát phải kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức. Phải phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân thông qua Quy chế dân chủ ở cơ sở với cơ chế: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nhân dân thông qua các tổ chức của mình để thực hiện kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. 
 
Để nâng cao đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người lãnh đạo, quản lý các cấp phải có ý thức, trách nhiệm, phát huy dân chủ, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, gần gũi, thân thiết với quần chúng nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; gắn bó với cơ sở, thực tiễn; phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, của nhân dân…  
 
LAN HỒ