Bản Sơ thảo Luận cương của Lênin với sự phát triển tư tưởng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc

03:11, 22/11/2017

(LĐ online) - Kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam vào 1858, đã có nhiều phong trào chống Pháp đã diễn ra, điển hình là các phong trào của Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học … nhưng lòng yêu nước của các bậc tiền bối không thể khỏa lấp những hạn chế trong việc lựa chọn con đường, phương pháp, lực lượng làm cách mạng… nên các cuộc cách mạng này đều thất bại.

(LĐ online) - Kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam vào 1858, đã có nhiều phong trào chống Pháp đã diễn ra, điển hình là các phong trào của Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học … nhưng lòng yêu nước của các bậc tiền bối không thể khỏa lấp những hạn chế trong việc lựa chọn con đường, phương pháp, lực lượng làm cách mạng… nên các cuộc cách mạng này đều thất bại.
 
Như một tất yếu của lịch sử, tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Sau khi đọc xong, Nguyễn Ái Quốc nói rằng: “Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lênin”. 
 
Cùng với kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười, sau khi nghiên cứu Luận cương của Lênin đã tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt quyết định trong hoạt động cách mạng và trong nhận thức chính trị của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, vũ khí tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ sự phân tích, nhìn nhận một cách khách quan, khoa học, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Do đó, Người quyết định lựa chọn đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Người nói: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Luận cương đã làm thay đổi cả về nhận thức và hoạt động thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc. Cụ thể:
 
Thứ nhất, Luận cương đã làm thay đổi hoạt động thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc
 
Sau chặng đường đi khắp Âu - Mỹ, chứng kiến cảnh khổ cực của người dân, đặc biệt là người dân ở các nước thuộc địa, tại Đại hội XVII của Đảng Xã hội Pháp (12/1920). Người đề nghị: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”. Rằng: “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”. Tại Đại hội này, Người đứng về phía đa số của Đại hội bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Người đó là từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sỹ giải phóng dân tộc trở thành một chiến sỹ cộng sản, một chiến sỹ quốc tế vô sản.
 
Với tư cách là đại biểu của Đông Dương trong Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc luôn nỗ lực hướng chú ý của Đảng  về vấn đề Đông Dương, góp phần tích cực vào việc xây dựng chính sách bênh vực các nước thuộc địa của Đảng. Trên các diễn đàn chính trị quốc tế, Người tích cực đấu tranh bảo vệ tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời cố gắng thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (1924), Người nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc; về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản phương Tây với cách mạng giải phóng dân tộc ở phương Đông. Đồng thời, Người cũng thẳng thắn phê bình các Đảng Cộng sản ở chính quốc chưa thực sự quan tâm và hiểu đúng về cách mạng thuộc địa. Người kiến nghị: Quốc tế cộng sản cần giúp đỡ những dân tộc thuộc địa, tổ chức họ lại, cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.
 
Thứ hai, Luận cương đã gợi mở lý luận cách mạng
 
Một là, mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng chính quốc với cách mạng thuộc địa, khả năng phát triển độc lập, chủ động của các mạng thuộc địa
 
Tiếp thu nội dung của Luận cương, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù trực tiếp nguy hại nhất của các nước thuộc địa mà còn là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có mối quan hệ khăng khít với cách mạng vô sản ở chính quốc “như hai cánh” của cách mạng thế giới. Vì vậy, phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng thuộc địa  với cách mạng vô sản chính quốc  theo khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Tuy nhiên, khi vận dụng nội dung Luận cương của Lênin vào thực tiễn cách mạng thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: “Chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa”. Đó là cơ sở góp phần làm cho chủ nghĩa cộng sản thích nghi dễ dàng với châu Á và Đông Dương hơn là các nước nước châu Âu, và đó cũng là cơ sở  để cách mạng vô sản ở thuộc địa có tính độc lập, chủ động không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, thậm chí có thể nổ ra và thắng lợi trước  cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc phát triển. Bởi vì, theo Người, châu Á đang vươn mình, châu Phi đang quật khởi, khu vực Mỹ Latinh đang chuyển động. Đại bác, lưỡi lê, chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân không khuất phục được ý chí đấu tranh và sức sống mãnh liệt của các dân tộc bị áp bức. Người viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”. 
 
Nguyễn Ái Quốc nhận định, kẻ thù của giai cấp vô sản ở chính quốc cũng là kẻ thù của các dân tộc thuộc địa. Người viết: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Trong bài phát biểu tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924), Người lưu ý: “Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng”. 
 
Hai là, xác định phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
 
Trước Nguyễn Ái Quốc, các nhà yêu nước ở Việt Nam chưa lựa chọn được con đường giải phóng dân tộc phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thế giới. Từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học đều bị thất bại do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là lịch sử dân tộc không lựa chọn đường lối cứu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản. Đường lối này không đáp ứng được nhu cầu  của dân tộc Việt Nam là giành độc lập hoàn toàn và thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột dưới bất cứ hình thức nào: phong kiến, thực dân hay tư bản.
 
Với điều kiện và lịch sử Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc  đã nhận thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc phải theo con đường cách mạng vô sản và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, con đường này chẳng những giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, mà còn giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi mọi sự áp bức bóc lột, đi đến ấm no, hạnh phúc thực sự. Sự lựa chọn này vừa đáp ứng đúng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại và thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản  lên chủ nghĩa xã hội đã được bắt đầu mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga.
 
Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là lý luận cách mạng không ngừng của Mác – Lênin, được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
 
Ba là, xác định đường lối chiến lược của cách mạng thuộc địa là đi từ giải phóng dân tộc tới giải phóng lao động
 
Luận cương đã góp phần quan trọng vào việc xác định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc cho Nguyễn Ái Quốc, làm cách mạng giải phóng dân tộc đi tới giải phóng lao động, giải phóng con người. Cách mạng giải phóng dân tộc, trước hết thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đánh đuổi đế quốc xâm lược như “An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly, đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh”. Người “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, gắn nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc với nhiệm vụ chống phong kiến Việt Nam lỗi thời, giành quyền dân chủ cho nhân dân. Để làm được điều đó, phải tiến hành cách mạng triệt để, phải “cách mệnh đến nơi”, phải đem chính quyền “giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”; có như thế dân chúng mới được hạnh phúc.
 
Bốn là, xác định nòng cốt của cách mạng là liên minh công nông, lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là lực lượng toàn dân, cách mạng là sự nghiệp chung của nhân dân.
 
Xuất phát từ thực tế Việt Nam mà đa số cư dân là nông dân, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm tới việc xây dựng khối liên minh làm nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, xây dựng thành công xã hội mới. Nguyễn Ái Quốc nhận thức rằng, “vì dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền” do bị áp bức mà sinh ra cách mạng, ai bị áp bức càng nặng, lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết. Do đó, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”. Người nhận thức rằng, Việt Nam là một quốc gia ở phương Đông, có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung lịch sử và truyền thống, chung tiếng nói… Ở Việt Nam các giai cấp trong xã hội chưa phân hóa sâu sắc như xã hội các nước tư bản phương Tây. Do đó, tinh thần đoàn kết  cần thiết phải được khơi dậy trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tất cả các lực lượng cách mạng ấy cần được tập hợp dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
 
Như vậy, sau 9 năm xa Tổ quốc để tìm kiếm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc thấy bừng lên ánh sáng rực rỡ từ một chân trời mới khi Người đọc được Luận cương. Tác phẩm này của Lênin có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, trở thành “cẩm nang thần kỳ” đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và con đường giành độc lập  cho dân tộc và tự do cho nhân dân Việt Nam. Luận cương đã làm thay đổi cả nhận thức và hành động của Người và đó là sự thay đổi phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt mới, đi đến bến bờ thành công.
 
Phạm Kim Quang