(LĐ online) - Chúng ta đều hiểu sâu sắc rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga là "cẩm nang" thần kỳ, là "kim chỉ nam" hướng về chân lý; là sự khai sáng để các dân tộc bị áp bức, bất công trên toàn thế giới đứng lên đập tan xiềng xích, đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho: Quyền được làm người, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
(LĐ online) - Chúng ta đều hiểu sâu sắc rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga là “cẩm nang” thần kỳ, là “kim chỉ nam” hướng về chân lý; là sự khai sáng để các dân tộc bị áp bức, bất công trên toàn thế giới đứng lên đập tan xiềng xích, đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho: Quyền được làm người, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Cẩm nang ấy, con đường cách mạng vô sản ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và truyền bá vào Việt Nam, giúp cho toàn thể nhân dân Việt Nam thấy được con đường giải phóng dân tộc, ví “như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Muốn làm cách mạng vô sản thì trước hết phải có Đảng tiền phong và lý luận vô sản dẫn đường. Từ luận giải của Người, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, để rồi 28 năm sau ngày Cách mạng Tháng Mười), Đảng ta đã lãnh đạo cả dân tộc ta làm nên Cách mạng Tháng Tám mùa Thu năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa nhân dân ta từ phận người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch đã công kích xuyên tạc, bài bác Cách mạng Tháng Mười Nga; chúng phủ định học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở nên lỗi thời. Từ đó, chúng cho rằng quá độ lên CNXH Việt Nam là đi vào ngõ cụt, không có tiền đồ, sai sự tịnh tiến các hình thái xã hội.
Cần nhận diện rằng:
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, mô hình chủ nghĩa xã hội ra đời trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Nền kinh tế Nga vốn lạc hậu lại bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh thế giới thứ nhất, sau đó là nội chiến, chiến tranh can thiệp của 14 nước đế quốc; Nga lại bị bao vây, cấm vận kinh tế.
Từ năm 1918 đến mùa xuân 1921, Nga buộc phải đề ra Chính sách “cộng sản thời chiến”, tiến hành quốc hữu hóa tài sản, tư liệu sản xuất quan trọng nhất của bọn tư sản độc quyền, đại địa chủ và các thế lực chống phá cách mạng khác, để đảm bảo cung cấp lương thực cho tiền tuyến và cho nhân dân thành thị. Việc xây dựng bộ máy nhà nước, nền kinh tế phục vụ chiến tranh trong điều kiện hoàn cảnh như thế là việc làm không thể khác được.
Thực tế, Nga đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp công nghiệp hóa với thời gian chưa đầy 20 năm. Trong hai thập kỷ ấy, đã tốn quá nửa thập kỷ nội chiến, chống chiến tranh can thiệp và khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Như vậy, chỉ có hơn thập kỷ, Nga dồn lực cho CNH và đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, cứu nhân loại thoát khỏi họa phát xít. Vì vậy, không ai có thể thể phủ nhận vai trò to lớn có ý nghĩa lịch sử về chủ nghĩa xã hội của cách mạng Tháng Mười Nga...
Soi rọi vào cuộc cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy có những tương đồng: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Pháp quay lại tái chiếm Việt Nam, đất nước ta lại phải bước vào một cuộc chiến tranh vệ quốc với 9 năm kháng chiến chống Pháp. Mọi nhân, tài, vật, lực đều dồn hết cho cuộc chiến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến”, và dân tộc ta đã: “9 năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, đất nước bị chia cắt 2 miền, sông Bến Hải là giới tuyến tạm thời 2 năm để chờ ngày Tổng tuyển cử (theo Hiệp định Giơ-ne-vơ). Nhưng không ngờ, giới tuyến tạm thời 2 năm đã phải kéo dài suốt 20 năm. Dòng Bến Hải quặn đau, nhuộm đỏ máu người. Nhiều chàng trai, cô gái đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông...bởi sự bội ước không thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ của Ngụy quyền Ngô Đình Diệm.
Từ bài học cách mạng Tháng Mười Nga, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta buộc phải tiến hành quốc hữu hóa tài sản, tư liệu sản xuất, vừa đảm bảo lương thực cho Miền Bắc, vừa chi viện cho chiến trường Miền Nam, với khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...” Cũng giống như Nhà nước Nga Xô Viết, việc xây dựng bộ máy nhà nước, xây dựng nền kinh tế phục vụ chiến tranh chính nghĩa, giải phóng thống nhất đất nước là việc làm không thể khác được. Và chiến thắng 30/4 đã đi vào lịch sử như một huyền thoại không chỉ đơn thuần là sự chiến thắng mà còn ở cái cách chúng ta làm nên chiến thắng đó.
Ấy vậy mà các thế lực thù địch cho rằng Cộng sản Việt Nam đã đi theo khuôn mẫu của Cách mạng tháng Mười nên đã làm nghèo đất nước. Chúng cho rằng ta đã vội vàng xây dựng CNXH ở Miền Nam để đưa cả nước đi lên CNXH là sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm này đã phá hoại đất nước gấp nhiều lần so với sự tàn phá của chiến tranh.
Các thế lực thù địch đã cố tình “bắn” vào quá khứ bằng tư tưởng phản động. Bởi: Nếu chỉ tính từ tháng 8/1945 đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, thì Việt Nam đã trải qua 30 năm chiến tranh tàn khốc. Nếu cộng thêm 4 năm gồng mình với cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam(ngày 8/1/1979 giải phóng Pnôm-pênh) và một tháng cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng một thời gian dài giằng dai sau đó để bảo vệ từng tấc đất biên cương hai đầu Tổ quốc, thì Việt Nam trải qua gần 40 năm chinh chiến.
Thử tưởng tượng xem, cứ mỗi năm chiến tranh thì sức người, sức của mà đất nước này phải bỏ ra là bao nhiêu? Và cứ mỗi năm bị chiến tranh tàn phá thì phải mất bao nhiêu năm để tái thiết. Thật khó có con số cụ thể nào để thống kê một cách chính xác những thiệt hại mà chúng ta phải gánh chịu, dù rằng cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến chính nghĩa. Vậy nên, chớ vội khập khiễng mà quy kết rằng: Đường lối của Đảng Cộng sản học từ Cách mạng tháng Mười Nga đã phá hoại đất nước gấp nhiều lần sự tàn phá của chiến tranh.
Trở lại nước Nga, một điểm rất đáng lưu ý nữa của Cách mạng Tháng Mười, đó là sau kết thúc nội chiến, Đại hội X Đảng Cộng sản Nga tháng 3 năm 1921 đã đề ra “Chính sách kinh tế mới”, gọi tắt là (NEP). Lênin chỉ rõ: Trong những điều kiện mới, coi việc sử dụng những hình thức “quá độ của chủ nghĩa tư bản nhà nước” là một bộ phận rất quan trọng của chính sách này (Chính sách NEP).
Đây là điểm khá đặc biệt mà Đảng ta đã nghiên cứu rất kỹ để vận dụng vào cách mạng Việt Nam, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Điểm đặc biệt này là ở chỗ: Chủ nghĩa “Tư bản” nhà nước dưới điều kiện chuyên chính vô sản. Chính sách này có ý nghĩa quan trọng và tác dụng rất to lớn trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Theo Lênin, thông qua việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, giai cấp vô sản có thể học tập, kế thừa và phát huy có chọn lọc tất cả những tài sản vật chất - kỹ thuật và tinh hoa chất xám trong kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế của các chuyên gia tư sản. Nhà nước vô sản có thể sử dụng kinh nghiệm các chính sách, biện pháp điều tiết, vận hành kinh tế, vận hành xã hội chắc lọc từ chũ nghĩa tư bản nhà nước. Đây được coi là giai đoạn nền tảng của nền sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa hay còn được ví như “phòng chờ” đi vào CNXH...
Việc sử dụng tinh hoa chủ nghĩa tư bản nhà nước là sự vận dụng sáng tạo của Lênin, được Đảng, Nhà nước ta đang vận dụng một cách linh hoạt cho lộ trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (1986). Hiện nay, Đảng ta đang xây dựng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Gần đây, trên các trang mạng xã hội, các blog chống cộng chúng áp đặt quan điểm coi “Đảng lãnh đạo mắc sai lầm trong việc kiên định quá lâu mô hình Chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-Viết, một mô hình lạc hậu trên nền tảng một hệ thống tư tưởng lỗi thời, từ lâu đã bị xếp vào kho tàng lịch sử…Từ đó, chúng “hạ bệ thần tượng” Lênin, Hồ Chí Minh, xét lại cuộc Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận thắng lợi lịch sử của Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ.
100 năm - một thế kỷ đã qua với biết bao biến cố thăng trầm, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn là chân lý không bao giờ thay đổi. Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng:
- Có cách mạng Tháng Mười Nga, mới có Đảng Cộng sản Việt Nam; mới có Cách mạng Tháng Tám.
- Có Cách mạng Tháng Mười Nga, mới có một Điện Biên phủ chấn động địa cầu; mới có chiến thắng lẫy lừng 30/4 tạc vào lịch sử như một huyền thoại, tiếp bước các bậc tiền nhân Ngô Quyền; Lê Lợi; Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Quang Trung - Nguyễn Huệ...
- Có Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương, gìn giữ vẹn toàn chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc (1979).
- Và từ bài học “Chính sách kinh tế mới” sau Cách mạng tháng Mười, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, vượt qua đói nghèo, vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Những thành tựu đó, khiến nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ, ngay cả người quyền lực nhất nước Mỹ cũng phải thừa nhận và ca ngợi rằng: Đó là những tiến bộ phi thường, là điều các bạn Việt Nam đã làm được trong một thời gian rất ngắn”.
Dù các thế lực thù địch, phản cách mạng có đưa ra trăm ngàn lý do phủ định Cách mạng Tháng Mười, phản bác vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những thành tựu trong thực tiễn mà Cách mạng tháng Mười Nga, những thành tựu mà Đảng ta, nhân dân ta đạt được kể từ khi có Đảng, là bằng chứng mạnh mẽ khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Mười Nga và nền tảng Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là con đường đưa chúng ta tới chân lý. Đó là điều không thể khác!
Lê Văn Tòa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng