Nâng cao vị thế nhà giáo hiện nay

08:11, 22/11/2017

(LĐ online) - Hiếu học và "tôn sư trọng đạo" là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển; Chính vì vậy người thầy giáo luôn được nhân dân tôn kính, ngợi ca "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "không thầy đố mày làm nên"… 

(LĐ online) - Hiếu học và “tôn sư trọng đạo” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống đó vẫn được bảo tồn và phát triển; Chính vì vậy người thầy giáo luôn được nhân dân tôn kính, ngợi ca “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên”… 
 
Sở dĩ nhân dân ta tôn trọng, đề cao nhà giáo và nghề dạy học một mặt do truyền thống hiếu học, sự tôn sư trọng đạo của dân tộc như đã nêu trên, còn mặt chủ yếu là do thiên chức của nghề dạy học đã được các thế hệ nhà giáo Việt Nam chân chính nối tiếp nhau dày công xây đắp nên. Thiên chức của nhà giáo là không chỉ ở  “dạy chữ” mà quan trọng hơn là “dạy người”, dạy cho học trò đạo lý làm người; là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tri thức, tinh hoa văn hóa của dân tộc, của nhân loại. Vì vậy, người thầy giáo (cô giáo) đã góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời đại, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và  tương lai. 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội - họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới nền giáo dục nước nhà. Người từng nhấn mạnh: “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Phát biểu tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (10/1964), Người nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh…Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sữa chữa”. 
 
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp GDĐT, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD). Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa; đặc biệt chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cũng như trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách sư phạm của đội ngũ nhà giáo. Bộ GD - ĐT cũng đã ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo (16/4/2008); trong đó xác định, ngoài phẩm chất chính trị, lối sống, tác phong, thì nhà giáo phải có đạo đức nghề nghiệp: “tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo”; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, đối xử hòa nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. Nhà giáo phải “tận tụy với công việc”; “công bằng trong giảng dạy”, chống bệnh thành tích, “thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn” để hoàn thành tốt sứ mệnh được giao.
 
Gần đây, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời có cơ chế kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và CBQLGD nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...
 
 Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, thiết nghĩ trước tiên cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để mỗi nhà giáo và CBQLGD nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của mình trong việc GDĐT thế hệ tương lai cho đất nước; thấy rõ bổn phận, trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy danh dự và truyền thống tốt đẹp của nhà giáo cũng như của nghề dạy học cao quý…Từ đó, khơi dậy lương tâm, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp trăm năm trồng người. 
 
Thứ hai, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách cụ thể, thiết thực, sáng tạo; gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
 
Thứ ba, trên cơ sở quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn kiện của Đảng về giáo dục – đào tạo, Luật Giáo dục, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư TW Đảng và Quy định về đạo đức nhà giáo đã được Bộ GD - ĐT ban hành, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức để nhà giáo phấn đấu; thành tiêu chuẩn để đánh giá quá trình tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu của nhà giáo; qua đó góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có lối sống và ứng xử mẫu mực, thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo.
 
Thứ tư, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và CBQLGD thiết thực, phù hợp và nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới đồng bộ, toàn diện sự nghiệp GDĐT; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường để giúp đội ngũ nhà giáo và CBQLGD tự học, gắn với đúc rút những bài học từ thực tiễn công tác một cách tự giác, hiệu quả.
 
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và xử lí kịp thời, nghiêm túc những biểu hiện vi phạm về đạo đức nhà giáo, góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục. Đồng thời, tuyên dương, khen thưởng những nhà giáo, CBQLGD tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo; có lương tâm, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu.
 
Thứ sáu, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo cần chăm lo đến đời sống của nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi cả vật chất và tinh thần để họ yên tâm làm việc và cống hiến. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa GDĐT, tuyên truyền, nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận và sự tham gia của toàn xã hội trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD theo tinh thần Chỉ thị số 40/CT-TW, ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương.
 
Thứ bảy, cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong các trường học; chú trọng công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục...
 
Đất nước đang trên đà đổi mới và phát triển, vai trò, vị thế của người thầy càng được khẳng định. Do đó, chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất của người giáo viên là góp phần tạo động lực, khích lệ đội ngũ nhà giáo – nhân tố quyết định chất lượng GDĐT, yên tâm đảm nhận sứ mệnh cao cả và hết sức vinh quang của mình. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi đến thầy, cô giáo những lời chúc mừng tốt đẹp và trân trọng nhất. 
 
VĂN NHÂN