Thu hồi tài sản tham nhũng thấp

09:11, 07/11/2017

(LĐ online) - Trong 2 ngày 6 & 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu, QH tiếp tục Phiên thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, cơ quan tư pháp về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Đại biểu Quốc hội thảo luận và tranh luận về nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm. 

(LĐ online) - Trong 2 ngày 6 – 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục Phiên thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, cơ quan tư pháp về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Đại biểu Quốc hội thảo luận và tranh luận về nhiều vấn đề cử tri cả nước quan tâm. 
 
ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Thế Hiển trình bày tranh luận tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Thế Hiển trình bày tranh luận tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV
Nổi lên là vấn đề tham nhũng vốn là vấn đề nóng, nhức nhối của mọi quốc gia. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, tham nhũng ở nước ta đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, đầu tư công và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đáng lưu ý, tham nhũng xảy ra nhiều ở những người có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi riêng, lợi ích nhóm.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thảo luận, tranh luận tại hội trường về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Đại biểu cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng đang trở thành vấn đề trọng tâm trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng. Đây cũng là một trong những chính sách hình sự quan trọng và đã được thể hiện rõ nét trong nhiều chế định của Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự 2015 cũng như trong pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự.
 
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các báo cáo cho thấy hầu như chính sách này chưa được phản ánh trong các báo cáo nêu trên. Trong báo cáo của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm soát tối cao và báo cáo về công tác thi hành án gần như không phản ánh vấn đề này.
 
Trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng chỉ đưa ra một dòng nhận xét khá nhạt nhoà tại trang 18 là “thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp”. Báo cáo cũng không đưa ra giải pháp nào cụ thể, trực tiếp cho vấn đề này.
 
Phân tích kỹ các số liệu cho thấy: Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đưa ra số liệu: Các vụ án tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m 2 đất; trong đó đã thu hồi 329 tỷ 691 triệu, 314.000 USD và 3.700m 2 đất (như vậy tỷ lệ thu hồi về tiền đạt khoảng 22 %, về đất đạt khoảng 4,8%); Tổng cục thi hành án dân sự đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 6.051,4 tỷ, trong đó mới giải quyết xong 1.154,5 tỷ (tương ứng khoảng 19%).
 
Còn trong báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ đưa ra số liệu: tổng số tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là gần 32 nghìn tỷ, song hiện nay mới thi hành được 2.795 tỷ (chiếm 8,75%).
 
Theo dõi việc thu hồi tài sản của một số vụ án tham nhũng lớn thì số tiền thu hồi về cho ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều, chẳng hạn: Vụ “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Vinashin. Theo quyết định thi hành án Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty Vinashin số tiền 989,2 tỷ đồng và tiền lãi chậm thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 7/2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào; Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Đến nay mới thi hành được trên 21 tỷ đồng (theo báo pháp luật ngày 12/7/2017).
 
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng thì hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
 
Với những số liệu trên, rõ ràng tỷ lệ thu hồi tài sản quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Do vậy, theo ĐBQH Nguyễn Thế Hiển, các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án cần coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chính sách này phải được phản ánh và thể hiện đầy đủ cả trong đánh giá thực trạng, cũng như hệ thống giải pháp và nên được thể hiện là một mục độc lập trong báo cáo thường niên của các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án, cũng như báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Hà Nguyệt