Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ

08:11, 23/11/2017

Lâm Đồng hiện có 35.778 cán bộ công chức, viên chức, trong đó: khối Đảng, đoàn thể 1.394 người; khối chính quyền 34.384 người. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, sự cần thiết, mục tiêu Nghị quyết đề ra; xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng. 

Lâm Đồng hiện có 35.778 cán bộ công chức, viên chức, trong đó: khối Đảng, đoàn thể 1.394 người; khối chính quyền 34.384 người. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, sự cần thiết, mục tiêu Nghị quyết đề ra; xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong xây dựng Đảng. 
 
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) cho thấy: Đa số cán bộ trong tỉnh kế thừa truyền thống cách mạng, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Phần đông có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh; thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị ngày càng cao; năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm trong công việc; chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước. Cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số được quan tâm, có cơ cấu tương đối hợp lý. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn; trình độ, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng được nâng lên. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được đề cao. Đặc biệt, sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Trong điều kiện hội nhập kinh tế và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thù địch âm mưu phá hoại bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhưng tuyệt đại bộ phận cán bộ vẫn giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững sự đoàn kết nhất trí, gắn bó với nhân dân.
 
Tuy đạt những kết quả to lớn như trên nhưng đánh giá tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ cho thấy vẫn còn một số mặt hạn chế, bất cập. Đó là: Cơ cấu đội ngũ cán bộ có nơi chưa hợp lý; thiếu cán bộ đầu ngành, cán bộ có chuyên môn giỏi, có khả năng dự báo và xử lý tốt những vấn đề phức tạp trên một số lĩnh vực như môi trường, quy hoạch… Vẫn có một bộ phận cán bộ sa sút về phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật kém, tính chiến đấu, tính tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng chưa cao. Tỷ lệ đảng viên vi phạm tư cách bị xử lý kỷ luật, tổ chức Đảng phải xem xét, xử lý còn cao. Tuy những mặt tiêu cực trên xảy ra không phổ biến nhưng từng cấp, ngành chưa kịp thời có biện pháp ngăn chặn và khắc phục. 
 
Từ thực tiễn thực hiện chiến lược cán bộ trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định mục tiêu cho thời gian tới: Xây dựng đội ngũ cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới của Đảng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, kiến thức, năng lực và có cơ cấu phù hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Thực hiện chiến lược cán bộ phải trên quan điểm: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trực tiếp chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trên mọi lĩnh vực trong hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới, phải gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế công tác cán bộ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp. Đẩy mạnh phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ. 
 
Trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, sẽ rà soát, đổi mới quy trình chọn, cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hóa hình thức, loại hình đào tạo. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Nâng cao chất lượng giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Phân cấp mạnh cho từng cấp, từng ngành trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm quy định học tập bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên; phân công nhiệm vụ cho cán bộ học tập, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên không chấp hành nhiệm vụ học tập. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu về chuyên môn cho cán bộ theo lĩnh vực công tác; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng chương trình đào tạo cán bộ để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương được quy hoạch phát triển ở lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, áp dụng KHKT vào cây trồng, sản xuất và dịch vụ tiên tiến, nhất là ở những nơi triển khai các dự án, chương trình tầm cỡ quốc gia và khu vực. 
 
LAN HỒ