Đó là một trong những nội dung góp ý khá chất lượng của đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Qua nghiên cứu, đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn địa phương.
Đó là một trong những nội dung góp ý khá chất lượng của đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Qua nghiên cứu, đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực tiễn địa phương.
|
Khu chung cư Yersin, Phường 9, Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Cụ thể, về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và các ý kiến trong báo có thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý về trách nhiệm của cơ quan thể thao công lập trong việc phối hợp các cơ sở giáo dục tại khoản 5 Điều 21 của luật hiện hành và khoản 5 của dự thảo luật. Việc bổ sung trách nhiệm của các cơ sở thể thao công lập phối hợp với các cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung thêm trách nhiệm hỗ trợ của các cơ sở thể thao công lập đối với các cơ sở giáo dục và việc phối hợp hỗ trợ không chỉ thực hiện ở trong nhà trường mà cần phải phối hợp ở ngoài nhà trường.
Trước thực trạng đuối nước ở trẻ em trong cả nước, trong đó có Lâm Đồng, mặc dù là tỉnh Tây Nguyên nhưng số liệu cho thấy trẻ em tử vong do đuối nước năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, đây là một thực trạng đáng báo động của xã hội và nên chăng chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ với xã hội. Do đó, ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa lại về nội dung: Cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ với các cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục về thể chất và hoạt động thể thao trong và ngoài nhà trường.
Về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao thành tích cao tại Điều 38 của luật hiện hành, khoản 10 của dự thảo luật và tại khoản 5 dự thảo luật quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 7 Điều 37 của luật này theo đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung quy định trên theo ĐBQH Nguyễn Tạo là chưa đầy đủ, bỏ sót trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở địa phương, nhất là đối với những môn thể thao tổ chức chưa có liên đoàn, hiệp hội thể thao ở cấp tỉnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi nội dung này cho phù hợp.
Cụ thể, theo ĐBQH Nguyễn Tạo nên quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 7 Điều 37 của luật này theo đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn thể thao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao ở địa phương. Nhất là đối với những môn thể thao chưa có tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao ở cấp tỉnh.
Về thể thao thành tích cao và chính sách bình đẳng giới trong cuộc sống như các vị đại biểu của các đoàn trước đây đã phát biểu, từ thực tiễn thi hành luật cho thấy, các vận động viên đạt thành tích cao nói riêng và những vận động viên nữ nói chung có những đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của nền thể thao nước nhà, mang về nhiều thành tích cao trong khu vực vào các kỳ thi Olympic. Tuy nhiên, từ chế độ đãi ngộ, điều kiện tập luyện, ăn ở của các vận động viên đến việc quảng bá thông tin, động viên, khuyến khích và sự quan tâm của xã hội đối với vận động viên nữ đã chưa tương xứng với những hy sinh, đóng góp của họ dành cho nền thể thao của nước nhà. Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung lần này đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị về chính sách bình đẳng giới phải được thể hiện đậm nét và phải được quy định cụ thể trong dự án, nhất là các quy định về chế độ, chính sách đối với vận động viên thành tích cao, các đãi ngộ trong việc giới thiệu việc làm, học tập, bảo hiểm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với những vận động viên sau khi giải nghệ, sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp.
Sau những tấm huy chương đó là cuộc sống đời thường sau khi giã từ vũ đài thi đấu quốc tế, khu vực, thì tình trạng sức khỏe của các vận động viên không còn nữa, hoặc những chấn thương dai dẳng kéo dài suốt đời, không nghề nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn, thu nhập hết sức khiêm tốn, không nuôi nổi bản thân. Để làm cơ sở khuyến khích đối với thế hệ các vận động viên đã từng quyết tâm vì màu cờ sắc áo Tổ quốc, từng bước hoàn thiện tính chuyên nghiệp, tính nhà nghề của nền thể thao đỉnh cao của đất nước, đại biểu Nguyễn Tạo tha thiết đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Điều 32 về quyền và nghĩa vụ của vận động viên đạt thành tích cao.
Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Tạo còn đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định liên quan đến việc quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ thể dục, thể thao công cộng tại các khu dân cư, kể cả khu chung cư để khắc phục tình trạng việc quy hoạch xây dựng các khu dân cư không có công trình phục vụ thể dục, thể thao công cộng như hiện nay là chưa hợp lý.
NGUYỆT THU (ghi)