Ðổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập

08:12, 07/12/2017

Đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ SNC, phục vụ quản lý nhà nước. 

Đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ SNC, phục vụ quản lý nhà nước. Hệ thống mạng lưới các đơn vị SNCL được tổ chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương hiện nay đa dạng với nhiều nhiệm vụ và loại hình khác nhau.  
 
Trong những năm đổi mới đất nước, Đảng luôn quan tâm đến việc phát triển và đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị SNCL gắn với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ SNC. Gần đây, Đại hội XII xác định nhiệm vụ: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này”. Tuy nhiên trên thực tế việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị SNCL còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. Theo đồng chí Vương Đình Huệ - UVBCT, Phó thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt NQTW 6 (khóa XII): Hiện số lượng đơn vị và nhân lực trong các đơn vị SNCL rất lớn. Năm 2016 có 57.995 đơn vị, với 2.441.791 người (chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước). Trong số các đơn vị SNCL, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT (trên 41.800 đơn vị, chiếm 72,08%; với 1.527.049 người, chiếm 62,54%) và các đơn vị sự nghiệp y tế (6.160 đơn vị, chiếm 10,62%; với 402.553 người, chiếm 16,49%). Số lượng các đơn vị SNCL tăng ít nhưng số nhân lực lại tăng khá nhiều (trong khối các đơn vị thuộc Chính phủ quản lý, năm 2016 so với năm 2011 tăng 0,5% số đơn vị, nhưng số người tăng 10,91%). Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình  Huệ: Tính đến hết năm 2016, có 57.171 đơn vị SNCL (còn 824 đơn vị chưa được giao quyền tự chủ về tài chính) thực hiện giao cơ chế tự chủ về tài chính theo các mức độ khác nhau. Đó là: Số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư mới chiếm tỷ lệ 0,21%, tự bảo đảm chi thường xuyên 3,33%, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có 22,36% và còn lại 72,67% do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động. 
 
Những hạn chế, yếu kém như trên của các đơn vị SNCL có nguyên nhân khách quan: Hệ thống đơn vị SNCL đã tồn tại khá lâu, gắn chặt với hệ thống hành chính nhà nước, các cơ quan đảng, đoàn thể, các doanh nghiệp. Tuy nhiên trong một thời gian dài, khu vực này chậm được đổi mới và chưa có chính sách đủ mạnh để sắp xếp, chuyển đổi. Trong nhiều nguyên nhân chủ quan, điều đáng nói là: Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực SNC còn chậm và chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa theo kịp và chưa phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của đất nước. Nhiều chính sách là tiền tệ, là điều kiện của việc giao quyền tự chủ cho đơn vị SNCL chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế; chưa có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện nghiêm các quy định. Ngoài ra, còn do trình độ và tư duy, năng lực quản trị và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhìn chung còn yếu kém, chậm đổi mới, còn tư tưởng ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu chưa được quy định rõ ràng.  
 
Hội nghị lần thứ 6, BCHTW Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo đó, các cấp ủy và tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị. Do vậy, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW phải hướng tới mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị SNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ SNC; cung ứng dịch vụ SNC cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỷ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị SNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức. Phát triển thị trường dịch vụ SNC và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ SNC.
 
LAN HỒ