Khó khăn ở K67

08:12, 01/12/2017

Ðược thành lập từ năm 2004, K67 là thôn tái định cư thuộc xã Ða Quyn - xã đặc biệt khó khăn của huyện Ðức Trọng. Ðến năm 2010, chi bộ thôn được thành lập nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên nói riêng và phát triển chi bộ nói chung. Lực lượng đảng viên quá mỏng, nên sự lãnh đạo của Ðảng ở đây cũng vì thế mà chưa mạnh.

Ðược thành lập từ năm 2004, K67 là thôn tái định cư thuộc xã Ða Quyn - xã đặc biệt khó khăn của huyện Ðức Trọng. Ðến năm 2010, chi bộ thôn được thành lập nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển đảng viên nói riêng và phát triển chi bộ nói chung. Lực lượng đảng viên quá mỏng, nên sự lãnh đạo của Ðảng ở đây cũng vì thế mà chưa mạnh.
 
Bao năm rồi K67 vẫn thế, bởi vậy nhiệm vụ đặt ra cho Chi bộ thôn lại càng nặng nề. Ảnh: N.N
Bao năm rồi K67 vẫn thế, bởi vậy nhiệm vụ đặt ra cho Chi bộ thôn lại càng nặng nề. Ảnh: N.N

Bao năm rồi K67 vẫn vậy...
 
Xã Đa Quyn hiện có 3 khu tái định cư, bao gồm: K67, Makir và Tơm Răng. Trong đó K67 là khu tái định cư hình thành sớm nhất, dân số đông nhất (hơn 100 hộ), tất cả là người dân tộc Chu Ru. Tuy nhiên, sau bao năm, đây vẫn là thôn khó khăn nhất của xã nói chung và trong số các khu tái định cư nói riêng. Theo ông Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn: Nhiều năm về trước bà con sống rải rác thành từng nhóm dọc theo các con suối trong rừng sâu, du canh du cư, phá rừng trồng bắp. Để bà con có được cuộc sống ổn định, được hưởng các chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, chính quyền địa phương đã gom các hộ này về khu tái định cư ở xã Đa Quyn. Tên K67 của khu tái định cư này được đặt dựa trên một mật khu cũ. Bởi thôn nằm trên cung đường bộ đội vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ nhiệm vụ giải phóng thành phố Đà Lạt. 
 
“Đa phần bà con đều có rẫy sản xuất cà phê ở xa khu dân cư. Còn việc phát triển ngay tại khu dân cư này thì hầu như không có. 13 năm đã trôi qua nhưng những gì có được ở K67 hôm nay không khác với những ngày đầu hình thành khu tái định cư là mấy. Đường sá, nhà cửa vẫn như những ngày đầu bà con từ rừng ra. Heo gà vẫn thả rông, chẳng nhà nào có bờ rào, vườn rau... Năm 2011, xã đã bỏ tiền mua một lượng lớn cây ăn trái vào cấp và hướng dẫn bà con cách trồng, tuy nhiên hiện nay cũng chỉ còn một vài cây”, Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn nói.
 
Nhằm nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân nơi đây, thời gian qua, Chi bộ, Ban điều hành thôn luôn chú trọng tăng cường vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, người dân đã chuyển đổi 0,5 ha diện tích đất trồng cà phê cằn cỗi sang trồng cà phê giống mới đem lại năng suất cao hơn. Bà con đã bắt đầu áp dụng tiến bộ KH - KT vào sản xuất nên hiệu quả tăng lên so với nhiều năm về trước. K67 hiện có 37 hộ nhận khoán bảo vệ 520 ha rừng. Chi bộ thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền về các chính sách, dịch vụ chi trả môi trường rừng, cũng như quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Điều này góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy của bà con như trước đây. Đó có lẽ là những chuyển biến đáng mừng nhất ở K67 sau chừng ấy năm.
 
Nhiều khó khăn trong hoạt động của chi bộ
 
Chi bộ thôn K67 hiện có 5 đảng viên. Đây là một trong 5 chi bộ nông thôn mà Đảng ủy xã Đa Quyn tập trung nhiều sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo nhất.
 
Cụ thể, để tăng cường nội lực cho chi bộ, nhiều thế hệ cán bộ xã đã được cử vào sinh hoạt tại chi bộ. Hiện tại Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đang đảm nhận cương vị Bí thư Chi bộ thôn. Đảng ủy xã cũng điều động Trưởng Công an xã tăng cường vào sinh hoạt tại K67. Từ năm 2011 đến nay, Chi bộ kết nạp được 2 đảng viên tại chỗ là Ya Trường và Ya Díu.
 
“Lực lượng đảng viên ở K67 còn quá mỏng và việc kết nạp 2 đảng viên trong chừng ấy năm là quá ít. Song đó cũng đã là nỗ lực rất lớn của Chi bộ thôn và cả Đảng ủy xã”, ông Hồ Đăng Thành khẳng định.
 
Lý giải về điều này, ông Ya Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Bí thư Chi bộ thôn nói: “Ở thôn K67 đa phần các hộ gia đình đều sinh con thứ 3, trình độ học vấn, lý lịch của các cá nhân không đảm bảo đủ tiêu chuẩn để tạo nguồn kết nạp Đảng. Lực lượng thanh niên đủ tiêu chuẩn của thôn đa phần đều có tư tưởng đi làm ăn xa, đến thành phố làm việc để thu nhập cao hơn... Ngoài những yếu tố khách quan trên, vấn đề mấu chốt là tâm lý của nhiều quần chúng không muốn tham gia công tác xã hội cũng như trở thành đảng viên. Bởi đời sống còn quá nhiều khó khăn nên việc làm kinh tế là điều mà bà con quan tâm nhiều hơn cả”.
 
Cũng theo Bí thư Chi bộ thôn, hiện 3 trong tổng số 5 đảng viên của chi bộ là đảng viên nông thôn. Bởi vậy lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. “Họ vừa là đảng viên vừa là nông dân nên đôi lúc tinh thần chưa cao, giao nhiệm vụ 10 thì thực hiện chỉ chừng 6 hoặc 7”. Bởi vậy Chi bộ phải thường xuyên đôn đốc, động viên để các đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, con số 5 đảng viên là quá nhỏ so với tổng số 392 khẩu của toàn thôn, nên việc thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ cũng không hề dễ dàng. Vì thế, các cuộc họp của chi bộ thường mở rộng để các đoàn thể trong thôn cùng tham dự nhằm tăng cường sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ. 
 
Nhiệm vụ trước mắt mà Chi bộ thôn K67 đặt ra là vực dậy tinh thần của đảng viên cũ và tăng cường kết nạp những quần chúng thật sự ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng. Riêng về công tác phát triển đảng viên mới, Đảng ủy xã Đa Quyn thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo trực tiếp đối với Chi bộ thôn K67 để phát triển đảng viên mới đảm bảo “số lượng đi liền với chất lượng”.
 
“Đó không phải là nhiệm vụ có thể hoàn thành trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả quá trình dài. Đối với việc tạo nguồn phát triển Đảng, thông qua các hoạt động của thôn, những quần chúng ưu tú sẽ dần được giao các nhiệm vụ từ nhỏ đến lớn để thử thách và bồi dưỡng. Đồng thời, các đảng viên cũ sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể trong việc theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú theo phương châm “mưa dầm thấm đất” để có thể tìm ra những quần chúng thực sự ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng, tăng cường thêm sức mạnh cho Chi bộ K67”, Bí thư Chi bộ Ya Tân khẳng định.
 
N. NGÀ