Nỗ lực của cả hệ thống chính trị

08:12, 13/12/2017

Vấn đề trọng tâm kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 là nội dung đã và đang được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, khóa IX vừa qua. Tại kỳ họp, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã được nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt báo cáo khái quát, giải trình, phân tích nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm và giải pháp bứt phá trong năm 2018. 

Vấn đề trọng tâm kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 là nội dung đã và đang được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 4, khóa IX vừa qua. Tại kỳ họp, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã được nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt báo cáo khái quát, giải trình, phân tích nguyên nhân hạn chế, khuyết điểm và giải pháp bứt phá trong năm 2018. 
 
17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra
 
Tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong bối cảnh vừa có những thuận lợi, vừa có một số khó khăn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài, dịch bệnh phát sinh trên một số cây trồng,... Tuy nhiện, với những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Đã có 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; an sinh xã hội được bảo đảm, phát triển toàn diện văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; quốc phòng được củng cố và tăng cường; quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh.
 
Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng cao 8,16%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước (cả nước ước đạt tăng trưởng từ 6,7%).
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tuy chịu nhiều ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa lũ bất thường, dịch bệnh bùng phát trên nhiều loại cây trồng, nhưng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4,32%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đến năm 2017 đạt 158 triệu đồng/ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; đã phối hợp với tổ chức tư vấn quốc tế hoàn thành đề án xây dựng thương hiệu nông sản “Đà Lạt, kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Năm 2017, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, công tác QLBVR được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không để xảy ra cháy rừng lớn; công tác phát triển rừng được triển khai theo kế hoạch; công tác tuần tra, kiểm tra ngăn chặn vi phạm được tăng cường và thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng cùng với việc chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đến cuối năm 2017, tỉnh Lâm Đồng đã có 72/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,5% tổng số xã và tăng 2 xã so kế hoạch năm 2017.
 
Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục duy trì, phát triển và tăng trưởng khá, công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ và du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng các khu du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện. Lượng khách du lịch tăng đáng kể nhất là khách du lịch quốc tế. Cụ thể, trong năm 2017, có 5,9 triệu lượt khách du lịch đến Lâm Đồng, đạt 100,9% kế hoạch, tăng 8,7% so với năm 2016; trong đó: khách quốc tế 400 ngàn lượt, tăng 35,6%; khách nội địa 5,5 triệu lượt, tăng 7,6%. Khách lưu trú đạt 4 triệu lượt, tăng 10,3% so với năm 2016.
 
Hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng (trong năm 2017 toàn tỉnh có khoảng 1.050 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.700 tỷ đồng; tăng 14,5% về số lượng doanh nghiệp so với năm 2016, có 47 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký 5.595 tỷ đồng. So với năm 2016, bằng 87% về số dự án, bằng 227,3% về vốn; trong đó: 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.331 tỷ đồng (có 22 dự án được điều chỉnh nội dung dự án đầu tư).
 
Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến đến ngày 31/12/2017 đạt 6.078 tỷ đồng, bằng 104,9% dự toán địa phương. Trong đó, thu từ thuế, phí và lệ phí 3.924 tỷ đồng, đạt 103% dự toán địa phương; thu từ đất nhà 815 tỷ đồng, bằng 117,3% dự toán địa phương.
 
Đến cuối năm 2017, qua kết quả rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều) còn 3,94%, giảm 1,3% so với năm 2016 (khoảng 3.800 hộ thoát nghèo trong năm); trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 12,2%, giảm 2,52% so với năm 2016 (khoảng 1.600 hộ thoát nghèo trong năm); đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
 
Thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm, hạn chế
 
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, song việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cho thấy trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đạt được kế hoạch đề ra, thấp hơn năm 2016 (tăng 4,32%). Theo phân tích của Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân khách quan thiệt hại do dịch bệnh trên cây trồng khoảng 801 tỷ đồng; trong đó, dịch bọ xít muỗi bùng phát thành dịch và gây thiệt hại khoảng 26.250/29.005 ha điều tại 3 huyện phía Nam (90,5% diện tích); ước tính niên vụ 2017 sản lượng điều toàn tỉnh giảm 63% so cùng kỳ; tương ứng với thiệt hại khoảng 190 tỷ đồng. Ngay sau khi công bố hết dịch bọ xít muỗi, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá giá trị thiệt hại để xây dựng phương án hỗ trợ đến từng hộ dân và có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục. Trên cơ sở nguồn kinh phí Trung ương cấp và từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, đề xuất của các sở, ngành và địa phương UBND tỉnh dự kiến phân bổ kinh phí hỗ trợ cho 3 huyện phía Nam khắc phục thiệt hại là 77,77 tỷ đồng (nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương 57,3 tỷ đồng; dự phòng ngân sách tỉnh 20,47 tỷ đồng)… Năm 2017, trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết đã gây ra cho tỉnh những thiệt hại do thiên tai: Ảnh hưởng của cơn bão số 12, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, ngập úng,… tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại là 752 ha; thiệt hại trên 300 tấn cá tầm; ước tính thiệt hại khoảng 191 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng. Ước tính niên vụ 2017, sản lượng rau bị ảnh hưởng do thời tiết là 25.424 tấn, giá trị thiệt hại 135 tỷ đồng (tính theo giá cố định 2010). Sản lượng cà phê giảm 3.365 tấn, giá trị thiệt hại do giảm năng suất khoảng 91 tỷ đồng (tính theo giá cố định 2010)... Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận đánh giá rất khách quan. Đó là do công tác dự báo dịch bệnh trên cây trồng, triển khai các biện pháp xử lý dịch bệnh còn bị động, lúng túng nên việc chống dịch chưa kịp thời, hiệu quả. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển chăn nuôi còn bất cập, hiệu quả chưa cao; công tác dự báo phát triển chăn nuôi trong và ngoài tỉnh chưa sát thực tế; việc liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa tốt, thiếu chặt chẽ,... nên khi xảy ra cung vượt cầu ảnh hưởng ngay đến tiêu thụ và giá cả,... gây thiệt hại cho nông dân. Trong chỉ đạo xây dựng một số chương trình, dự án chưa kịp thời; kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi triển khai chậm nên ảnh hưởng đến việc phát triển chung của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. 
 
“Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm cao, quyết tâm tạo sự bứt phá, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, địa phương cần chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, tạo xung lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, thực hiện đúng chủ đề của năm 2018 là “hành động mạnh mẽ - đồng bộ của hệ thống chính trị” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định” - Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt.
 
Để tiếp tục điều hành quản lý tốt trong năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu lên 14 nhóm giải pháp căn bản để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, mục tiêu chính vẫn là tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo Đề án tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017.
 
NGUYỆT THU