Thái Sơn ơn Ðảng

08:12, 04/12/2017

Trải qua hành trình xuyên suốt thời gian và các vùng đất, một bộ phận người Thái ở tỉnh Sơn La đã đến với mảnh đất Thái Sơn (N'Thol Hạ, Ðức Trọng) để làm ăn sinh sống. Giã từ những ngày cơ cực, bà con đã "bén đất, bén rễ", xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới dưới ánh sáng soi đường của Ðảng.

Trải qua hành trình xuyên suốt thời gian và các vùng đất, một bộ phận người Thái ở tỉnh Sơn La đã đến với mảnh đất Thái Sơn (N’Thol Hạ, Ðức Trọng) để làm ăn sinh sống. Giã từ những ngày cơ cực, bà con đã “bén đất, bén rễ”, xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới dưới ánh sáng soi đường của Ðảng.
 
Bà con người Thái ở thôn Thái Sơn chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: Ð.Tú
Bà con người Thái ở thôn Thái Sơn chí thú làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: Ð.Tú

Ông Lương Văn Giong (1952) làm công tác Mặt trận ở thôn Thái Sơn vui mừng dẫn khách lạ đi tham quan các gia đình trong thôn, đến đâu bà con cũng vui mừng vì một mùa cà phê mới đầy hứa hẹn rồi rau, củ, quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã “nảy mầm”. “Thôn Thái Sơn này có 161 nóc nhà với 697 nhân khẩu, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, xưa thì nghèo khó, đói ăn, giờ thì khá giả lắm; toàn thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Vui nhất là bà con mình rất đoàn kết, tích cực làm ăn, nên số hộ này sẽ nhanh chóng thoát nghèo thôi. Có được cuộc sống như ngày hôm này, bà con mình biết ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm” - ông Giong chia sẻ.
 
Ánh mắt buồn xa xăm của ông Giong nhớ về những ngày cơ cực, có làm mà không có ăn hoặc làm ăn theo kiểu tra hạt giống xuống đất rồi nhờ trời, cây lúa trổ được hạt nào thì ăn hạt nấy. Những kỷ niệm đó ông luôn kể cho con cháu mình nghe để chúng thấm thía rồi mang ra mà so sánh với bây giờ: một sự đổi đời. Đổi đời hẳn khi bà con người Thái có đất đai màu mỡ để canh tác, có xe, có nhà, có điện, có đường, trường, trạm, con em được học hành tử tế, được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng để rồi cống hiến cho quê hương, đất nước. 
 
Ông kể: “Khoảng năm 1950, người Thái chúng tôi đến với mảnh đất Lâm Đồng, đầu tiên ở thị trấn Liên Nghĩa, sau đó di chuyển vào N’Thol Hạ; đến năm 1986 thì thôn Thái Sơn được thành lập, ban đầu cả thôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngày tháng qua dần, khó vạn lần cũng khắc phục được, một lòng một dạ theo Đảng, Nhà nước để xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn”.
 
Bà Nguyễn Thị Thêu - Bí thư Chi bộ thôn Thái Sơn cho biết: Bà con người Thái ở thôn Thái Sơn luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế, góp công, góp sức cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. 
 
Hiện nay, Chi bộ Thái Sơn có 19 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số người Thái, các đảng viên này luôn phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động. Con em của họ cũng rất năng động, cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và dốc sức cho địa phương. Điển hình như đồng chí Lò Vũ Đại hiện là cán bộ Tư pháp xã, sau quá trình học tập tại Khoa Luật học - Đại học Đà Lạt đồng chí về địa phương công tác, góp sức trẻ cho địa phương, là một quần chúng ưu tú được đề nghị xem xét kết nạp Đảng.   
 
Thôn Thái Sơn với diện tích tự nhiên khoảng 300 ha, diện tích đất gieo trồng trên 90 ha, trong đó 55 ha cà phê, 10 ha lúa, 5 ha rau củ quả và các loại cây trồng khác, tổng đàn gia súc, gia cầm trên 5.000 con. 
 
Thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây, con giống của Ðảng bộ xã N’Thol Hạ, những năm gần đây, bà con người Thái đã bắt đầu chuyển đổi và thử nghiệm chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 30 con. 
 
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, đây là một hướng đi mới cho Thái Sơn nói riêng và nhân dân xã N’Thol Hạ nói chung. Cùng đó, một bộ phận khác lại chuyển đổi những vùng đất khô hạn trước kia trồng lúa một vụ sang trồng rau, củ, quả mang lại nguồn thu nhập đáng kể. 
 
Ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy xã N’Thol Hạ khẳng định: “Thái Sơn là thôn duy nhất của xã có đồng bào dân tộc thiểu số người Thái sinh sống. Qua nhiều năm “bén duyên” trên vùng đất mới này, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, bà con luôn chấp hành nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật cảu Nhà nước. Các thế hệ đảng viên của thôn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho diện mạo nông thôn từng ngày đổi mới”. 
 
ÐỨC TÚ