M'Lọn là tổ dân phố duy nhất có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của thị trấn Thạnh Mỹ (Ðơn Dương). Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các đảng viên ở đây đã "cầm tay chỉ việc", không ngại khó ngại khổ thay đổi thói quen canh tác của người dân, giúp họ có một cuộc sống khấm khá hơn qua từng ngày.
M’Lọn là tổ dân phố (TDP) duy nhất có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống của thị trấn (TT) Thạnh Mỹ (Ðơn Dương). Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các đảng viên ở đây đã “cầm tay chỉ việc”, không ngại khó ngại khổ thay đổi thói quen canh tác của người dân, giúp họ có một cuộc sống khấm khá hơn qua từng ngày.
|
Bí thư Chi bộ M’Lọn (bìa phải) đến vận động người dân tích cực chuyển đổi trồng lúa nước sang trồng rau, củ, quả để có thu nhập cao hơn. Ảnh: Đ.T |
M’Lọn là TDP nằm ở trung tâm thị trấn, với 303 hộ, 1.499 nhân khẩu được chia thành 4 cụm dân cư. Đa phần cuộc sống của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích đất canh tác lúa nước là 181 ha và chăn nuôi trâu bò thả rông. Trong những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam TT Thạnh Mỹ, Chi bộ và TDP luôn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư.
Hiện nay, toàn Chi bộ có 11 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên là người đồng bào DTTS, đội ngũ đảng viên luôn luôn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, ra sức thực hiện Chỉ thị 13-CT/HU của Huyện ủy Đơn Dương và Kế hoạch 22-KH/ĐU của Đảng ủy TT. Thạnh Mỹ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh”, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng ủy cấp trên và Nghị quyết của Chi bộ đề ra.
Đồng chí Đào Xuân Ký - Bí thư Chi bộ M’Lọn cho biết: “Chi bộ thường xuyên bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng ủy, trong đó thực hiện phân công cụ thể đảng viên phụ trách các đoàn thể ở TDP và toàn thể đảng viên phải tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức về mọi mặt. Bên cạnh đó, trong các đợt sinh hoạt chi bộ hàng tháng đều phổ biến cho từng đảng viên tự bản thân mình phải phấn đấu phát triển kinh tế, tích cực lao động sản xuất, có lối sống văn minh, lành mạnh, ra sức giúp đỡ bà con nhân dân về các mặt như: cây, con giống; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau, củ, quả”.
Điều đáng phải đề cập đến đầu tiên chính là sự vào cuộc của Chi bộ khi vận động bà con thực hiện chuyển vùng chăn nuôi trâu, bò tại khu dân cư, vì nguyên nhân gây mất vệ sinh. Hơn 300 con trâu, bò của bà con M’Lọn đã được chuyển vùng chăn thả đến nơi xa khu dân cư, xa trung tâm thị trấn, để đảm bảo một TT Thạnh Mỹ “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Điều thứ hai chính là việc vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích trồng lúa nước sang trồng rau, củ, quả; hơn 50 ha lúa nước đã được chuyển đổi. Đây là điều không dễ gì thực hiện được trong “một sớm một chiều” nếu như không có sự chủ động thực hiện và bám sát Nghị quyết mà Chi bộ đã đề ra với tất cả tinh thần, trách nhiệm của các đảng viên. Điển hình như đảng viên Rô Da Bình, đảng viên Ja Sáu đã cầm tay chỉ việc, giúp đỡ bà con nông dân trong việc thay đổi thói quen canh tác từ trồng lúa sang trồng rau, củ, quả. Vì, đã bao đời nay người Chu Ru, người K’Ho ở M’Lọn đã quen với việc trồng lúa nước nên thay đổi là điều không phải dễ dàng. Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu” đời sống bà con khấm khá hẳn lên, xây được nhà, sắm được những vật dụng thiết yếu, đắt tiền để phục vụ cuộc sống từ những vựa rau, củ, quả.
Minh chứng rõ ràng nhất từ việc đảng viên trong chi bộ thúc đẩy bà con phát triển kinh tế chính là hai hộ dân K’Lon và K’Kìn đã thoát được nghèo đói nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh K’Lon tâm sự: Trước đây, gia đình mình thuộc hộ nghèo, cuộc sống chờ đợi vào hạt lúa nên quanh năm đói nhưng nhờ cán bộ, đảng viên mà mình biết đến trồng rau. Giờ thì thoát nghèo rồi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Còn K’Kìn thì “mộc mạc” rằng mình thuộc diện cận nghèo, cũng trồng được vài sào lúa nước nhưng cũng vất vả; cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là những người trong chi bộ không kể công sức đến nhà mình để vận động mãi, cuối cùng mình làm theo, giờ thì có rau bán rồi, hết nghèo rồi.
Dấu ấn của các đảng viên trong Chi bộ M’Lọn không chỉ thể hiện qua báo cáo mà dấu ấn của họ là những dấu chân in hình trên mảnh đất có đông đồng bào DTTS, những dấu chân hằn trên từng tuyến đường, từng cụm dân cư, từng nhà một để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
ÐỨC TÚ