(LĐ online) - Cách đây 45 năm, ngày 27/1/1973, "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết tại Paris, buộc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
[links()]
(LĐ online) - Cách đây 45 năm, ngày 27/1/1973, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết tại Paris, buộc Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Cuộc đàm phán thể hiện sự đối đầu toàn diện về chiến lược và chiến thuật, bản lĩnh và trí tuệ, đạo lý và pháp lý giữa Việt Nam và Mỹ; là sự kết hợp khôn khéo chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của Việt Nam. Đây là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
BỐI CẢNH - DIỄN BIẾN HỘI NGHỊ PARIS
Cuối năm 1965, với những thắng lợi liên tiếp của nhân dân ta ở hai miền Nam - Bắc, Đảng ta đã tính đến kế hoạch đàm phán với Mỹ, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Song, ngoại giao chỉ được coi là một mặt trận sau Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (1/1967): Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở cho thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần phản ánh của tình hình chiến trường, mà còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. Và từ đây, Đảng ta mới thực sự đưa ngoại giao thành một mặt trận quan trọng để mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, sự thất bại nặng nề của chiến lược "chiến tranh cục bộ" và chiến tranh phá hoại miền Bắc, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Paris (13/5/1968). Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thuỷ đứng đầu, đã khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên. Và sau gần 6 tháng đàm phán, hai bên đã đi đến thỏa thuận về việc Mỹ sẽ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày 1/10/1968; đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập hội nghị bốn bên tại Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Đoàn miền Bắc, tức là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ là cố vấn. Đoàn miền Nam, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đầu do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, về sau do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, làm trưởng đoàn.
Lập trường của bốn bên (thực chất là của Việt Nam và Mỹ), ở giai đoạn đầu rất mâu thuẫn và khác xa nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong lúc đó, trên chiến trường, cả ta và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh dựa trên thế mạnh mà hai phía đang giành giật nhau trên bàn đàm phán. Bởi vì, xét cho cùng “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao” (Văn kiện Đảng toàn tập, t. 28, tr. 174).
Đúng như sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, những thắng lợi quân sự của ta trong năm 1971, 1972 trên khắp các chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào, Cam-pu-chia, đã khiến bọn Mỹ - ngụy thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán. Đặc biệt, cuộc đụng đầu lịch sử 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng pháo đài bay B-52 với quy mô lớn của đế quốc Mỹ trên bầu trời thủ đô Hà Nội, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc và chấp nhận phải ký “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào ngày 27/01/1973.
Trong thời gian 4 năm 8 tháng 14 ngày (13/5/1968 - 27/1/1973), Hội nghị Paris đã phải trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn; đồng thời có sự hậu thuận của hàng nghìn cuộc biểu tình, mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam mặc dù đề cập nhiều vấn đề quan trọng có liên quan, nhưng vẫn tập trung vào hai vấn đề cốt yếu nhất là yêu cầu Mỹ cùng các nước đồng minh của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.
Hiệp định Paris được ký vào ngày 27/1/1973, là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam; buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân đồng minh ra khỏi miền Nam; tạo tiền đề cho đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
CUỘC ĐỐI ĐẦU TOÀN DIỆN VỀ CHIẾN LƯỢC, CHIẾN THUẬT, BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ
Hội nghị Paris là cuộc đàm phán giữa hai thế lực đối đầu trên chiến trường, giữa một bên là Mỹ xâm lược, một siêu cường về quân sự và kinh tế nhưng lại yếu về chính trị, tinh thần và phi nghĩa; với một bên là Việt Nam dân chủ cộng hòa, lực lượng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có thế mạnh tuyệt đối về chính trị, tinh thần và chính nghĩa. Đây là cuộc đấu trí căng thẳng giữa 2 nền ngoại giao: nền ngoại giao nhà nghề, dựa trên thế mạnh là Mỹ và nền ngoại giao nhân văn là Việt Nam; một cuộc đấu quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý và mưu lược,… khác nhau. Thế giới gọi Hội nghị Paris về Việt Nam là “cuộc hòa đàm thế kỷ” để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20; cuộc chiến tranh diễn ra ở phạm vi một nước, nhưng lại mang tính thời đại sâu sắc giữa một bên là độc lập dân tộc và CNXH với một bên là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực xâm lược phản động, giữa hòa bình và chiến tranh.
Có thể nói, quân sự là mặt trận thứ nhất, mặt trận quyết định, thì cuộc đấu tranh ngoại giao tại cuộc đàm phán ở Pa-ris là mặt trận thứ hai, giữ một vai trò hết sức quan trọng và mang ý nghĩa chiến lược. Biết được mặt trận quân sự ta chưa thể thắng được Mỹ ngay, không thể buộc Mỹ ký ngay hiệp định chấm dứt chiến tranh và rút quân ra khỏi miền Nam; vì vậy, phải dùng đàm phán để tấn công, lên án Mỹ, cô lập, làm rối loạn hậu phương địch để phục vụ cuộc chiến đấu của quân đội ta, cổ vũ cho quân đội ta đánh mạnh. Ngoại giao phải song song, bám sát với chiến trường, biết phát huy thắng lợi ở chiến trường trên bàn ngoại giao. Ngược lại, khi quân ta gặp khó khăn, ngoại giao phải đỡ lấy để Mỹ không lấn tới, nhất là trong ba năm từ 1969 đến 1971, lực lượng ta bị tổn thất, quân chủ lực phải tránh sang Lào, Cam-pu-chia… Ba năm đó, nghệ thuật ngoại giao của ta là cầm cự, nhưng không nhân nhượng mà vẫn tấn công địch, vẫn lên án, đòi địch rút quân để chờ quân ta giành chiến thắng trên chiến trường.
Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán và nhờ khéo léo vận dụng nhiều chính sách và sách lược phù hợp với tình thế ta - địch, một mặt ta đã có các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris để nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”... Mặt khác, ta đã dùng vấn đề tù binh, nhất là vấn đề phi công Mỹ bị bắt, trong đấu tranh chính trị và đàm phán với Mỹ, góp phần làm phân hóa nội bộ Mỹ, tạo sức ép trong dư luận và chính giới Mỹ.
Biết địch biết ta là một trong những nghệ thuật quan trọng trong quá trình đàm phán của ta ở Paris. Ta biết chiến tranh còn phải kéo dài nhiều năm, phải suy tính làm sao kéo dài được đàm phán mà địch lại không thể đổ lỗi cho ta; phải hiểu và đoán biết trước được ý đồ của địch làm gì, đánh chỗ nào, lập luận nó thế nào để tìm ra cách thức đối phó; biết được thế mạnh của Mỹ về quân sự, kinh tế, nhưng lại bất lợi về tính phi nghĩa,…Do vậy, ngoài thận trọng, khéo léo để bảo vệ lẽ phải của ta, tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới, đồng thời cũng linh hoạt nắm bắt cơ hội, coi thời cơ là yếu tố quyết định thắng bại.
Đề cao Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sự kết hợp chặt chẽ giữa hai đoàn Bắc - Nam với nhau “hai mà một, một mà hai” là một điều nổi bật, thể hiện rõ chính sách ngoại giao khôn khéo và sáng suốt của Việt Nam trong những năm đàm phán Pa-ris. Qua đó, đã tạo nên một ưu thế mà không nước nào trên thế giới có được trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt.
Hiệp định Paris đã phản ánh trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đó là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao; của sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế; kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân; là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại.
KỲ 2: HIỆP ĐỊNH PARIS MANG ĐẬM DẤU ẤN PHONG CÁCH NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH
KHÁNH LINH