Hiệp định Paris - mốc son ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh (tiếp theo)

09:01, 26/01/2018

Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện trọng đại trong tiến trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, mà minh chứng sinh động nhất là Hội nghị Paris và Hiệp định Paris (27/1/1973) - mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện tầm vóc thời đại của nền ngoại giao truyền thống Việt Nam.

Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện trọng đại trong tiến trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, mà minh chứng sinh động nhất là Hội nghị Paris và Hiệp định Paris (27/1/1973) - mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện tầm vóc thời đại của nền ngoại giao truyền thống Việt Nam.

[links()] HIỆP ĐỊNH PARIS MANG ĐẬM DẤU ẤN PHONG CÁCH NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH
 
Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh gắn liền với những sự kiện trọng đại trong tiến trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, mà minh chứng sinh động nhất là Hội nghị Paris và Hiệp định Paris (27/1/1973) - mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, thể hiện tầm vóc thời đại của nền ngoại giao truyền thống Việt Nam.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao kiệt xuất, cha đẻ của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đưa ngoại giao trở thành một mặt trận, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở tính văn hóa trong mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp của nhân loại và việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách nhằm cứu vãn hòa bình. 
 
Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho các chính phủ và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã gửi nhiều thông điệp cho các nhà cầm quyền Mỹ, đề nghị đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ tăng cường chiến tranh, một mặt Người kêu gọi quân dân ta “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” đồng thời chủ trương vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh. Mở màn cho mặt trận đấu tranh ngoại giao, tạo ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” là Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 13 (1/1967). 
 
Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, cơ sở cho ngoại giao là sức mạnh và thực lực, "thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to thì tiếng mới lớn". Người nói: “Ngoại giao ở Geneva thắng lợi vì Điện Biên Phủ thắng lợi. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lớn thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”. Vì vậy, nhiệm vụ của ta một mặt phải tố cáo mạnh mẽ tội ác của đế quốc Mỹ, vạch trần những thủ đoạn hòa bình giả hiệu của chúng, tranh thủ các nước anh em, bạn bè yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ; đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn không ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt khác phải đánh mạnh, thắng lớn trên chiến trường để buộc Mỹ phải ngồi đàm phán với ta. Từ cuối năm 1967, đặc biệt, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, quân dân ta thắng lớn ở miền Nam; trên thế giới phong trào đoàn kết với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ngày càng được mở rộng, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, chính thức mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm” theo hướng có lợi nhất cho ta. 
 
Trong những năm tháng đó, cùng với sự phát triển và thắng lợi trên các chiến trường, đấu tranh ngoại giao đã triển khai hiệu quả chủ trương đàm phán "vừa đánh vừa đàm", kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, giành thắng lợi từng phần, góp phần đưa cục diện cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược chuyển sang một giai đoạn mới. Và Hồ Chủ tịch một mặt khích lệ tinh thần đồng bào và chiến sĩ miền Nam phải kiên quyết "đánh cho đến khi Mỹ nguỵ thất bại hoàn toàn"; mặt khác, Người tỏ rõ quan điểm là muốn có hoà bình, "Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam" và Việt Nam "sẵn sàng cho Mỹ rút quân có thể diện", trải thảm đỏ cho đế quốc Mỹ rút quân về nước...Bác nói: “Đế quốc Mỹ chán rồi, nhưng rút ra thế nào. Thua mà danh dự. Đó là điều Mỹ muốn”. 
 
Quá trình diễn ra Hội nghị Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị thường xuyên theo dõi diễn biến và chỉ đạo sát sao. Khi đồng chí Xuân Thủy - Trưởng đoàn đám phán Paris về nước báo cáo tình hình (5/1969), Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị đã chỉ thị: "Tiến công ngoại giao là một mặt tiến công quan trọng có ý nghĩa chiến lược lúc này…; nắm vững thời cơ, phối hợp với tiến công quân sự và tiến công chính trị, tiến công liên tục và sắc bén, kiên trì nguyên tắc, khéo vận dụng sách lược, vừa kiên quyết, vừa linh hoạt, buộc Mỹ phải rút quân và nhận một giải pháp chính trị đáp ứng yêu cầu cơ bản của ta". 
 
Bài thơ Xuân 1969 – bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác đã chỉ dẫn đường hướng, bước đi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta: “Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Và cũng Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đã gửi điện chúc Tết anh chị em đang công tác ở Paris mở đầu bằng hai câu thơ: “Xuân gà túc tác đến nơi/Gửi người thân thiết mấy lời mừng Xuân” và kết thúc bức điện: “Gà Xuân túc tác rạng đông/Đưa tin thắng lợi cờ hồng bay cao”.
 
Trong những ngày cuối đời, dù nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến những sự kiện diễn ra ở Hội nghị Paris; Người vẫn còn nghe báo cáo tình hình miền Nam và hỏi thăm tin tức về Hội nghị Paris. Ngày 2/9/1969, trong khi chiến sự vẫn diễn ra ngày càng ác liệt và đàm phán ở Hội nghị Paris chưa kết thúc, Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta. Tuy Bác đã đi xa, nhưng tư tưởng chỉ đạo và những lời tiên đoán của Bác vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của toàn dân ta đến thắng lợi cuối cùng.
 
Thực hiện lời dạy của Bác, sau gần 5 năm đàm phán kiên trì, chúng ta đã buộc Mỹ phải chấm dứt vô điều kiện ném bom và bắn phá miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Hiệp định Paris và cuộc đàm phán Paris là một chiến thắng tổng hòa của ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; nâng cao trình độ của ngoại giao Việt Nam lên ngang tầm quốc tế, góp phần phát triển ngoại giao Việt Nam trong thời đại mới. 
 
Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ TO LỚN 
 
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi ngoại giao sáng chói, mở ra một cục diện mới với thế mạnh áp đảo của Việt Nam trên chiến trường, tạo tiền đề vững chắc cho quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 
 
Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn. Đó là thắng lợi của CNXH, của các nước không liên kết và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, từ đó hình thành “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”; đồng thời góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Lào (2/1973) và Campuchia (4/1975). Từ đó mở ra một cục diện mới ở Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; mở ra xu thế thiết lập một khu vực hoà bình, trung lập hữu nghị, ổn định. 
 
Hiệp định Paris đã củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa; đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý. Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong đó có nhân dân tiến bộ Pháp là một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam, tiếp tục đồng hành với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Cùng với ý nghĩa lịch sử to lớn, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học lớn về: (1) Niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng khi mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm”, sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao…, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng. (2) Kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi. (3) Ngoại giao phải song song, bám sát với chiến trường; biết phát huy thắng lợi ở chiến trường trên bàn ngoại giao, ở sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta; đồng thời phát huy sức mạnh của chính nghĩa, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ của hai đoàn đàm phán ngay tại Paris dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. (4) Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương cách cực kỳ quan trọng, để vượt qua những thách thức lớn, bảo đảm thắng lợi. (5) Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trưởng thành vượt bậc, được chuẩn bị và trang bị kỹ cả về kiến thức đối ngoại và nghệ thuật đàm phán; chọn lựa, tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ đối ngoại bản lĩnh nhất, xuất sắc nhất tham gia hai đoàn đàm phán, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris. Những bài học quý báu đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự. 
 
Hội nghị Paris và những giá trị của Hiệp định Paris mãi mãi là mốc son của nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, khí phách, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, mà thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau tiếp tục noi theo…
 
KHÁNH LINH