Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng ta, có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng gắn với từng bước trưởng thành của Đảng, dân vận và gắn bó với nhân dân trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng ta.
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng ta, có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng gắn với từng bước trưởng thành của Đảng, dân vận và gắn bó với nhân dân trở thành một truyền thống tốt đẹp của Đảng ta. Để làm tốt công tác dân vận, thiết nghĩ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nâng cao ý thức học tập và làm theo phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) nêu quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Nghị quyết khẳng định: Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo. Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó: Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thể hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm cho nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ ta”, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Vì thế, không khí dân chủ thực sự trong nội bộ phải được tạo ra bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng say đề ra sáng kiến, “học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần làm việc, cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức, cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó. Người có phong cách dân chủ là thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đó cũng là cách “để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân chủ phải có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức. Nói về sức mạnh của dân chủ, Người nhấn mạnh: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Nếu người cán bộ không có phong cách dân chủ hoặc “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Phong cách dân chủ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.
Phong cách dân chủ Hồ Chí Minh được thể hiện từ việc lớn cho đến việc nhỏ: Chuẩn bị ra một nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo..., Người đều đưa ra thảo luận trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật,... Người đều huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung. Là người đứng đầu Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước, nhưng Hồ Chí Minh thường xuyên có phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Người giải thích: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách, tức là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”. Cương vị lãnh đạo càng cao, thì càng đòi hỏi phải có tác phong tập thể - dân chủ thật sự, chứ không phải hình thức.
Học tập phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể tách rời mà phải gắn liền với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04/NQ-TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, các tổ chức cơ sở đảng, từng cán bộ và đảng viên phải có trách nhiệm thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện; thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; thực hiện dân chủ trong xã hội, trước hết phải đảm bảo phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy dân chủ đầy đủ trong xã hội; phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội.
LAN HỒ