Lễ tân ngoại giao theo phong cách Hồ Chí Minh - Tiếp cận từ góc độ văn hóa

09:01, 03/01/2018

(LĐ online) - Hình thành từ rất lâu đời, lễ tân ngoại giao là gần như là sự tổng kết những thói quen và tập quán tiếp xúc trong nhiều thế kỷ bang giao giữa các quốc gia. Lễ tân ngoại giao là một phạm trù lịch sử. 

(LĐ online) - Hình thành từ rất lâu đời, lễ tân ngoại giao gần như là sự tổng kết những thói quen và tập quán tiếp xúc trong nhiều thế kỷ bang giao giữa các quốc gia. Lễ tân ngoại giao là một phạm trù lịch sử. Trong công tác khảo chứng những bản khắc trên những công trình kiến trúc cổ xưa nhất, người ta còn thấy những di chỉ những hòa ước và những hiệp ước liên minh cổ xưa. Điều này chứng tỏ từ xa xưa giữa những bộ lạc thời nguyên thủy và sau đó giữa những tập đoàn phong kiến đã có những quan hệ tiếp xúc. Lễ tân ngoại giao được xuất phát từ đường lối chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia nhằm thể hiện và phục vụ đường lối chính sách đối ngoại đó. Lễ tân ngoại giao tuy không được coi là nội dung chủ yếu của hoạt động đối ngoại nhưng lại là những công việc cần thiết để tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao tiến hành thuận lợi. Nó là công cụ chính trị của hoạt động đối ngoại của một Nhà nước, là phương tiện thực hiện và cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Có bốn nguyên tắc cơ bản trong lễ tân ngoại giao là: Tôn trọng lẫn nhau; bình đẳng không phân biệt đối xử; có đi có lại; tôn trọng luật pháp quốc tế với quy định quốc gia và truyền thống dân tộc.  
 
Ở giác độ lý thuyết về lễ tân ngoại giao thì nội hàm phức tạp, chi tiết, tỉ mỉ và có vẻ rối rắm cầu kỳ như thế. Nhưng trong thực tiễn giao tiếp nó lại chứa đựng muôn hình muôn vẻ và một điều khả dĩ tin tưởng là các nghi thức, kỹ thuật, nghệ thuật lễ tân suy cho cùng đều tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa của một quốc gia dân tộc mà nó đang đại diện. Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện về lễ tân ngoại giao qua cách thức xử thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trên cương vị là nguyên thủ quốc gia gần như là những huyền thoại - huyền thoại của minh triết  Hồ Chí Minh. Nhà thơ Ô-Xip Man-đen-tam từ năm 1923 từ nước Nga đã  sớm nhận ra được những tín hiệu dự báo về bậc danh nhân Hồ Chí Minh từ chàng thanh niên mảnh khảnh tên Nguyễn “Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai...”. Trong tiếp khách ngoại giao và khách quốc tế, phong thái, ngoại hình, “ngôn ngữ cơ thể” (bodylanguage) của các chủ thể là hết sức quan trọng, thậm chí theo một số nhà ngoại giao và nghiên cứu phong cách giao tiếp cho rằng nó có thể ảnh hưởng trên 60% sự thành công của mục đích giao tiếp.  
 
Năm 1945, sau khi tuyến bố độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi tiếp với tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch khi chúng âm mưu thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” tháng 9/1945: “Bác bước nhanh vào phòng khách của Lãnh sự quán như bước vào chốn quen thuộc đã từng lui tới nhiều lần… Tiêu Văn đang ngồi, vội đứng lên đón Bác. Hình như những bước đi thoải mái, tự nhiên và nụ cười rộng mở, đầy chân tình của Bác, tất cả nói lên nhiệt tình của người chủ hiếu khách, như thể Bác chờ đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu, đã làm cho Tiêu Văn có phản ứng bất giác đó”. Bác Hồ luôn quan tâm chân thành đến các vị khách ngoại giao và khách quốc tế trong bất cứ hoàn cảnh nào, với mục tiêu để lại ấn tượng tốt đẹp, thêm bạn bớt thù. Đầu năm 1964, hai lãnh đạo của nước Lào là đồng chí Xuphanuvông và Kayxỏn Phomvihẳn đến Hà Nội, vào  Phủ Chủ tịch thăm Bác. Trong lúc nói chuyện, gió mùa Đông Bắc lùa hơi lạnh vào phòng khách, Bác chợt hỏi: "Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí không quàng khăn cổ?", nói rồi Bác đứng dậy mở tủ lấy ra hai chiếc khăn quàng mới rồi nói: "Đồng chí Xuphanuvông và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới" và Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Kayxỏn: "Bác trao khăn này để đồng chí Kayxỏn quàng". Khi ra về, đồng chí Xuphanuvông rất phấn khởi: "Tôi với Bác mỗi người một khăn mới", còn đồng chí Kayxỏn thì gật gù: "Còn tôi được kế thừa chiếc khăn của Bác Hồ". Một cách tặng quà ngoại giao đầy nhân văn mà chỉ có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, nó ẩn chứa một nhân cách vĩ đại, hàm lượng văn hóa cao trong ứng xử con người với con người tiến đến một cái Đẹp đầy biểu tượng. Khi cần sắc sảo và hài hước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng xử rất nhạy bén. Ngày 18/10/1946, khi chiến hạm Đuy-mông Đuyêc-vin đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh vào vịnh Cam Ranh. Trên hạm tàu Suffren, Đô đốc Đăc-giăng-li-ơ và tướng Mooclie đón chào Người. Sau nghi lễ, trong bữa tiệc chiêu đãi, trước các nhà báo, Đô đốc Đăc-giăng-li-ơ thấy xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là lính Pháp, quân hàm, quân hiệu chỉnh tề, đô đốc này nói: “Ngài Chủ tịch đang được đóng khung bởi hải - lục - không quân Pháp”. Câu nói đùa, nhưng hàm ý hăm dọa ngài Chủ tịch đang bị bao vây! Bác của chúng ta đã ứng xử rất hay, Người nói: “Cái khung chỉ làm tăng giá trị và vẻ đẹp của bức ảnh” mà thôi.
 
Thường trong lễ tân ngoại giao, việc đón tiếp theo ngôi thứ rất quan trọng, theo nguyên tắc đối đẳng, nước khách cử cấp bậc nào thì nước chủ sẽ cử ra đại diện  tương ứng cấp bậc đó tiếp đón. Tuy nhiên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vận dụng đầy linh hoạt và mềm dẻo. Vào tháng 12/1961, đoàn đại biểu quân sự Trung Hoa do Nguyên soái Diệp Kiếm Anh dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong kế hoạch đón tiếp có nội dung đoàn sẽ đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi đến Hà Nội. Khi xem đề án lễ tân, Bác nói: “Hồi trước, khi Bác đi từ Diên An về phương Nam, đồng chí Diệp Kiếm Anh đã từng là đội trưởng và Bác là Bí thư chi bộ. Nay đồng chí ấy đến Việt Nam mà Bác lại đợi đồng chí ấy đến chào chính thức là không thân tình”. Do đó, Bác quyết định để Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đón đoàn tại sân bay, khi về tới Bắc Bộ phủ đã có Bác. Bác sẽ dự bữa cơm thân mật với đoàn nhưng không công bố trên thông tin đại chúng, vì như vậy không tiện về mặt lễ tân. Bởi vì lúc đó, Bác là Chủ tịch nước, còn đồng chí Diệp Kiếm Anh chỉ là một trong 10 nguyên soái của Trung Quốc, chưa phải là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhưng là chỗ thân tình từ trước nên Bác sẽ có mặt ở Bắc Bộ phủ. Đó là một cách xử trí rất tinh tế của Bác về mặt ngoại giao, lại có lý có tình. 
 
Trong quá trình tiếp khách, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cần có thể cùng múa Lăm vông, hay làm thơ, viết văn, lẩy Kiều đầy ý nhị mà sâu sắc. Trong chuyến thăm chính thức Indonesia vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía bạn vẫn nhắc mãi những câu thơ của Hồ Chí Minh dành tặng Tổng thống Sukarno ngày nào (1959), khi chia tay: “Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em”, sẽ mãi đi vào lịch sử quan hệ hai nước, làm xúc động bao tấm lòng người dân Việt Nam và Indonesia. Một câu chuyện đầy cảm động, trong lễ phục tiếp khách, thường mặc quần tây thì người ta đi giày tây (mặc định như thế trong quốc tế), thì Bác Hồ lại có phong cách khác. Con gái tổng thống Sukarno là bà Megawati vẫn rất xúc động mỗi khi nhớ về kỷ niệm trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia (năm 1959). Khi đó bà Megawati mới 13 tuổi, được theo cha đi gặp Bác Hồ. Thấy Bác Hồ đi đôi dép cao su giản dị, bà liền hỏi cha tại sao Bác Hồ không đi giày. Tổng thống Sukarno nhắc lại câu hỏi của con gái và Bác Hồ đã nói: "Khi nào đất nước thống nhất thì tôi sẽ đi giày…". Thật xúc động. Thân thương, giản dị nhưng vẫn toát vẻ thanh tao lịch lãm và sâu sắc, mang đầy hồn phách của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua những chi tiết nhỏ nhất trong giao tiếp đối ngoại như thế. 
 
Xin trích lại nhận xét của Nhà thơ Ô-Xip Man-đen-tam để kết thúc bài viết này “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và thanh lịch, chuộng nếp điều độ và ghét thói thái quá. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy  được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương..”.
 
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa (Tác giả Đào Phan - Nhà XB Văn hóa Thông tin năm 2005)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa (Tạp chí Xưa và Nay. Nhà XB Chính trị Quốc gia)
- Bài báo: Việt Nam với Indonesia và Myanmar: Chân thành hợp tác  (Tác giả Nguyễn Sự - TTXVN, đăng ngày 28/8/2017)
- Sách Chuyện kể về Bác Hồ (NXB Giáo dục Việt Nam, Vũ Kỳ chủ biên)
 
Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng