Trong năm vừa qua, Thường trực và các Ban thuộc Hội đồng Nhân dân (HÐND) tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề một số vấn đề liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật. Qua đó, chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục của cơ quan chức năng và địa phương.
Trong năm vừa qua, Thường trực và các Ban thuộc Hội đồng Nhân dân (HÐND) tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề một số vấn đề liên quan đến thực hiện các quy định của pháp luật. Qua đó, chỉ ra những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục của cơ quan chức năng và địa phương.
Một trong những nét nổi bật trong công tác giám sát chuyên đề của Thường trực và các Ban thuộc HĐND tỉnh đã đặt trọng tâm vào lĩnh vực liên quan sát sườn đến đời sống người dân, các vấn đề dân sinh mà cử tri quan tâm. Trong đó đáng chú ý là giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về việc “thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với một số dự án, công trình trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp đối với 12 công trình, dự án và UBND 6 huyện, 2 thành phố; giám sát qua báo cáo đối với 20 công trình dự án, UBND 8 huyện, 2 thành phố và UBND tỉnh. Các địa phương có các dự án thu hồi đất được trực tiếp giám sát bao gồm: Huyện Cát Tiên 2 công trình, thành phố Bảo Lộc 2 dự án, huyện Lâm Hà 2 dự án, huyện Lạc Dương 2 dự án, huyện Bảo Lâm 1 dự án và thành phố Đà Lạt 3 dự án.
Theo báo cáo kết quả giám sát đánh giá, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và người dân, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất “đã đạt được nhiều kết quả, phục vụ giải phóng mặt bằng để đầu tư thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Đặc biệt, những chính sách về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất cơ bản phù hợp với các quy định hiện hành, đảm bảo tính công khai, quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đồng thời luôn được cập nhật, điều chỉnh bổ sung chế độ, chính sách mới, tạo hành lang pháp lý để thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đại đa số các hộ dân sau khi phải di dời, di chuyển đến nơi ở mới đều có cuộc sống ổn định…
Qua đó, Ðoàn giám sát nhận định: “Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian qua đã được thực hiện tương đối tốt, góp phần vào việc triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác này. Cụ thể, tính đến thời điểm giám sát, toàn tỉnh còn 79 công trình, dự án trên địa bàn 11 huyện, thành phố còn vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, một số địa phương có nhiều công trình, dự án vướng mắc như thành phố Đà Lạt 33 dự án, huyện Lâm Hà 10 dự án và huyện Lạc Dương liên quan đến 9 dự án… dẫn đến thời gian, tiến độ thực hiện dự án kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng dự án cũng như quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp thực hiện dự án. Đơn cử, một số dự án kéo dài trên dưới 10 năm nay bao gồm: Dự án Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, Khu Công nghiệp Lộc Sơn, Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu dân cư điểm công nghiệp Phát Chi, Vườn Hoa thành phố Đà Lạt… hay Khu dân cư Phạm Hồng Thái.
Báo cáo của Đoàn giám sát còn cho thấy, hầu hết các địa phương chưa xây dựng và ban hành quy định về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan có liên quan của huyện, thành phố theo quy định của UBND tỉnh dẫn đến công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã nơi có đất thu hồi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, UBND một số huyện, thành phố chưa chấp hành đúng quy định của pháp luật về việc lập và phê duyệt dự án tái định cư trước khi thu hồi đất nên dẫn đến tình trạng còn có trường hợp đã thu hồi đất của người dân nhưng vẫn chưa có đất tái định cư, phát sinh chi phí hỗ trợ chỗ ở ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Tình trạng để người dân lấn chiếm đất tái định canh hoặc bố trí tái định canh không đúng đối tượng dẫn đến không có đất tái định canh cho người có đất bị thu hồi gây khiếu kiện kéo dài cũng còn xảy ra ở một số địa phương. Và một số dự án hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ nhưng chủ đầu tư dự án không triển khai thực hiện, người dân vẫn tiếp tục canh tác, sử dụng và sang nhượng trái phép đối với diện tích đã thu hồi, gây khó khăn trong công tác quản lý…
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, tồn tại này được Đoàn giám sát “bắt mạch” bao gồm: Một số cơ chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa phù hợp, thường xuyên thay đổi (về đơn giá, điều kiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…), chưa đảm bảo quyền lợi của người có đất thu hồi. Công tác xác định giá đất bồi thường, giá đất tái định cư chưa kịp thời, kinh phí của địa phương bố trí thực hiện bồi thường, hỗ trợ còn gặp khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân bị thu hồi còn hạn chế. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố chưa chặt chẽ; thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ chưa kịp thời, thường xuyên dẫn đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của một số địa phương còn xảy ra sai sót, vi phạm pháp luật phải xử lý. Quản lý đất đai của một số địa phương và các tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất thuộc phạm vị dự án chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà, công trình trái phép trong thời gian dài nhưng không được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm theo quy định. Mặt khác, đa số hộ dân ủng hộ chủ trương thực hiện dự án của nhà nước, tuy nhiên chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ vì cho rằng mức giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp và chưa có phương án bố trí tái định cư theo quy định… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ triển khai dự án.
Với những nội dung trên của Đoàn giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án công trình trên địa bàn tỉnh. Có giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất cũng như chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới mà Đoàn giám sát kiến nghị.
XUÂN TRUNG