Đoàn Đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Công ty CP Du lịch Lâm Đồng

02:01, 30/01/2018

(LĐ online) - Sáng ngày 30/1, Đoàn giám sát Quốc hội do ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng làm trưởng đoàn đã có chương trình giám sát tại Công ty CP Du lịch Lâm Đồng. 

(LĐ online) - Sáng ngày 30/1, Đoàn giám sát Quốc hội do ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng làm trưởng đoàn đã có chương trình giám sát tại Công ty CP Du lịch Lâm Đồng. Cùng tham dự với đoàn có đại diện HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh, các sở ngành liên quan, ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
 
Đoàn ĐBQH giám sát tại Công ty CP Du lịch Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước
Đoàn ĐBQH giám sát tại Công ty CP Du lịch Lâm Đồng về việc thực hiện chính sách pháp luật
về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước

Đoàn giám sát của ĐBQH Lâm Đồng tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa, thủ tục, trình tự tiến hành cổ phần hóa, đánh giá tình hình quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Đánh giá vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... qua đó, nhằm tìm những bất cập, vướng mắc hoặc những sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về quá trình thực hiện cổ phần hóa. Cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra các sai phạm, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán… 
 
Tại buổi làm việc, đại diện công ty bà Trần Thị Hồng Nhạn - Tổng Giám đốc Công ty đã báo cáo với Đoàn về tình hình hoạt động của công ty thời điểm trước và sau khi cổ phần hóa. Tiền thân là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, năm 2013 công ty chính thức thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương chung của nhà nước, số vốn điều lệ hiện tại là 396 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là trên 46 tỷ đồng. Nhìn chung, so sánh giữa giai đoạn trước và sau khi cổ phần, Công ty đã có sự thay đổi đáng kể về tầm nhìn, hiệu quả kinh doanh. Dịch chuyển từ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực sang chú trọng vào hoạt động cốt lõi là du lịch tại Đà Lạt, tạo nên những sản phẩm du lịch là điểm đến thân thiện với môi trường và bảo vệ giữ gìn tài nguyên thiên nhiên.
 
Đại diện Công ty CP Du lịch Lâm Đồng cũng nêu lên một số khó khăn và kiến nghị với Đoàn giám sát như cần ổn định nhân sự của Tổ thẩm định giá của tỉnh và có nghiệp vụ để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật. Riêng khu du lịch Langbiang thì công ty được thuê đất 50 năm và trả theo từng năm. Công ty cũng kiến nghị tỉnh cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê đất tại khu vực Hải Sơn và khu du lịch Datanla và sẽ chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước…
 
Theo ghi nhận của các thành viên trong đoàn giám sát, đề nghị công ty cần hoàn chỉnh báo cáo chi tiết cho đoàn theo đề cương đã gửi, mạnh dạn niêm yết trên sàn chứng khoán để nâng giá trị thương hiệu cho công ty, cái khó hiện nay là thoái vốn để định giá tài sản còn lại của doanh nghiệp để đảm bảo lộ trình 2018 đề ra, xác định giá trị quyền sử dụng đất cho phù hợp, chia cổ tức theo quy định của pháp luật. Về cơ bản mọi chính sách pháp luật cho người lao động tại doanh nghiệp đều được thực hiện tốt, quyền lợi người lao động được đảm bảo. Công tác đào tạo nghề về du lịch được quan tâm, đầu tư tốt.
 
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tạo nhận định: Nhìn chung, hiệu quả mang lại sau cổ phần hóa được tăng lên giá trị, mọi thủ tục, trình tự đều đúng pháp luật, quá trình quản trị của doanh nghiệp cho thấy trách nhiệm được phát huy, không có thất thoát tài sản của nhà nước. Chưa có khiếu nại tố cáo nào của người lao động tại công ty. Vai trò quản lý của UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, vai trò tham mưu của Sở Tài chính trong phát sinh cổ phần hóa được đảm bảo. Đoàn cũng kiến nghị  trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật cần định giá quyền cho thuê tài sản, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính để sát giá trị thực tế, đảm bảo giá trị quản lý công sản tốt hơn, quyền lợi của cổ đông khi mua cổ phần… đảm bảo chính xác, minh bạch, công khai. Về Quỹ phát triển du lịch, đề nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn kịp thời nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các chính sách quản lý rừng và đất rừng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, những hoạt động chuyên môn về du lịch cần có chính sách phù hợp với Luật Du lịch. Bên cạnh đó, những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp nhận và sẽ báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương về những vướng mắc, tồn tại trong khi cổ phần hóa nhằm hướng đến nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh sau cổ phần hóa.
 
Nguyệt Thu