(LĐ online) - Tham nhũng đang là quốc nạn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lực đất nước; tạo ra sự trì trệ, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
(LĐ online) - Tham nhũng đang là quốc nạn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn lực đất nước; tạo ra sự trì trệ, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ. Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi PCTN là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác PCTN. Từ Đại hội VI (1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới, cho đến Đại hội XII, trong các văn kiện đại hội đều đề cập và nhấn mạnh đến cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và chỉ rõ tham nhũng là quốc nạn, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, Đại hội XII tiếp tục nhấn mạnh “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”.
Thực hiện các nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước, công tác PCTN thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, xảy ra trên diện rộng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản là do: Giữa quyết tâm chính trị và hành động thực tế còn khoảng cách lớn; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội và PCTN trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa phù hợp với thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện; những tiêu cực trong công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; việc thực hiện các quy định về PCTN chưa nghiêm; chưa phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân, báo chí và truyền thông trong PCTN; hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN chưa cao…
Để thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp về PCTN, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và Kết luận số 10 - KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Cần nhận thức đây là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngay trong chính bản thân mỗi con người; một công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tránh khuynh hướng tả khuynh, nóng vội hoặc hữu khuynh, trì trệ, thiếu quyết liệt; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai...
Hai là, triển khai đồng bộ Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí kết hợp với xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, những kẻ bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, bất kể người đó là ai, ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu; tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; có cơ chế, chính sách, các giải pháp phù hợp để khuyến khích và bảo vệ những người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng. Gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Ba là, thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. Công khai, minh bạch về: Cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; mua sắm từ ngân sách nhà nước; huy động đóng góp của nhân dân; quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công; công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ… Thực hiện nghiêm việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước; tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ, tránh tình trạng nể nang, tiêu cực trong công tác cán bộ, tệ nạn bè cánh, ô dù, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân và những người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí. Hợp tác với các nước trong truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.
Năm là, cùng với xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, cần chú trọng xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí; xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN để ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong PCTN; thiết lập bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thật sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng.
Sáu là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền đấu tranh PCTN; tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai và phát huy vai trò của báo chí tham gia giám sát. Đồng thời, báo chí cũng cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác PCTN, đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt.
PCTN là một là một mặt trận đầy cam go, phức tạp, nhưng với quyết tâm chính trị cao cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu, của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, nhất định công tác PCTN sẽ thành công; qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
VĂN NHÂN