Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, nghị quyết để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả...
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, nghị quyết để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hoạt động có hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, lòng tin của nhân dân với Đảng được nâng lên; hoạt động của hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao...
|
Lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở thực hiện phương châm gần dân, sát dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền địa phương. (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về thăm và làm việc với bà con Thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông). Ảnh Ngọc Ngà |
Nhìn lại chặng đường
Để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như thành lập các đoàn khảo sát, nghiên cứu, nắm tình hình để có cơ sở chỉ đạo thực hiện sâu sát. Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức hàng chục cuộc khảo sát trực tiếp với hơn 700 phiếu góp ý của 147 Ban Thường ủy cấp ủy cơ sở, 12 Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy. Đó là một trong những cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành nhiều quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương trong thời gian qua như: Chỉ đạo cải cách việc ban hành nghị quyết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, giảm thời gian hội họp, chuyển đổi các cuộc họp, hội nghị từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến; tăng cường đi cơ sở với phương châm “tỉnh bám tới xã, huyện bám thôn, tổ dân phố, xã bám sát tới từng hộ dân”; tiếp tục chỉ đạo đổi mới hoạt động của MTTQ và các đoàn thể theo hướng gần dân, sát dân, khắc phục bệnh hành chính; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị,…
Về tổ chức bộ máy, Lâm Đồng tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng chủ động. Theo đó, nhiều mô hình có tính đột phá đã được thực hiện như: Tiến hành rà soát, giải thể, sắp xếp, kiện toàn lại một số tổ chức đảng; chỉ đạo sắp xếp các tổ chức đảng khối Đảng, đoàn thể và chính quyền cấp huyện (12 huyện, thành ủy sau khi thực hiện còn 25 TCCS đảng, giảm 161 TCCS đảng so với trước đây). Chỉ đạo rà soát các chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn (đến nay toàn tỉnh còn 6 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn). Thực hiện tốt chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND và thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (14 địa phương bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, 107 địa phương có bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn); chỉ đạo sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 22 đơn vị so với năm 2011. Sáp nhập một số đơn vị như Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh vào Trường Chính trị tỉnh; chuyển đổi Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng đầu tiên trên cả nước. Chỉ đạo sắp xếp các đơn vị sự nghiệp khối đoàn thể cấp tỉnh; sắp xếp tổ chức bộ máy của một số đơn vị cấp huyện: Trung tâm Thú y, Trung tâm Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông thành Trung tâm nông nghiệp,...; thực hiện tốt một số mô hình như Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Mặt trận cấp huyện; Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, sắp xếp chức danh kế toán, văn thư Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện là kiêm nhiệm...
Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, Lâm Đồng đã dừng việc giao bổ sung biên chế khối Đảng, đoàn thể; chấn chỉnh công tác giao, quản lý và sử dụng biên chế; giải quyết các hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới hoạt động, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dần thay thế trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp…
Những bước đi tiếp theo
Tiếp thu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đang tiếp tục chỉ đạo để sớm bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của cấp ủy, ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các tiêu chuẩn, nguyên tắc, quy định, gắn với phát huy vai trò của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy định về tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử… Bên cạnh đó, chủ động đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường luân chuyển cán bộ từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã và ngược lại để thử thách, đào tạo và tạo nguồn cán bộ cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Triển khai tốt việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở, phòng cấp tỉnh, huyện để rút kinh nghiệm thực hiện. Thí điểm sát hạch cán bộ, công chức, viên chức các cấp làm cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về tổ chức bộ máy, tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm bớt đầu mối, hoạt động hiệu quả; chỉ đạo giải quyết dứt điểm số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vượt quá số lượng biên chế được giao; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò điều hành của chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tuyên truyền, vận động, thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thực hiện hợp nhất hoặc sáp nhập một số phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh gắn với sắp xếp lại đội ngũ cán bộ; sắp xếp lại tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị theo hướng nghiên cứu thực hiện chế độ chuyên viên, giảm tối đa đầu mối trực thuộc và bộ phận trung gian; xây dựng các đề án, kế hoạch để thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình “Văn phòng cấp ủy - HĐND - UBND” thành một văn phòng chung, hoặc mô hình “Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện” phục vụ chung cho các phòng, ban của huyện, nhằm giảm bớt bộ máy hành chính…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2021, tất cả các cơ quan, địa phương, đơn vị (kể cả khối Đảng, đoàn thể và chính quyền các cấp) phải đảm bảo đúng yêu cầu mỗi năm giảm trên 1,67% và đến năm 2021 giảm ít nhất 10% biên chế so với năm 2015. Thực hiện tốt và nhân rộng mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Đối với các xã, phường, thị trấn, tiếp tục rà soát lại các chức danh, tiến tới thí điểm không bố trí một số chức danh chuyên trách cấp xã, mà nhiệm vụ các chức danh này hợp nhất cho các chức danh công chức có nhiệm vụ tương đồng đảm nhiệm hoặc phân công cấp phó các đoàn thể kiêm nhiệm; khắc phục tình trạng bố trí cán bộ, công chức theo kiểu bình quân theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay; tăng cường thực hiện chế độ kiêm nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với chế độ khoán chi một số khoản đối với cấp xã để từng bước giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng 15% số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Tiếp tục sáp nhập các thôn, tổ dân phố có quy mô dân cư ít và địa bàn hẹp; chỉ đạo thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ đạo các đơn vị đăng ký lộ trình đến năm 2021 giảm 10%, phấn đấu có ít nhất 10% trở lên số đơn vị tự chủ về tài chính. Khuyến khích các đơn vị có điều kiện chuyển sang tự chủ, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ. Tiếp tục sáp nhập các trường, các điểm trường trên địa bàn cho phù hợp.
Từ những định hướng, chủ trương của Trung ương và thực tiễn địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
HỮU TOÀN