Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong định hướng phát triển của Lạc Dương. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đảm bảo tính bền vững là hướng đi tất yếu. Bởi thế Lạc Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này làm nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong định hướng phát triển của Lạc Dương. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đảm bảo tính bền vững là hướng đi tất yếu. Bởi thế Lạc Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này làm nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Duy Hải - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương khẳng định: Lạc Dương có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu. Đây là địa phương phụ cận với thành phố Đà Lạt là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Những năm 2015, 2016 và đầu năm 2017, người dân đã chủ động trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đầu năm 2017, trước khi ban hành nghị quyết chuyên đề này, theo thống kê, năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện Lạc Dương đạt 17%/năm; giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha/năm, tăng 80 triệu đồng/ha so với thời điểm 2011. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng và trở thành phổ biến như nhà kính, công nghệ tưới tự động, một số quy trình sản xuất hiện đại (thủy canh, hữu cơ) cũng đã được áp dụng, lợi nhuận tăng trên 30% so với doanh thu... Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để Huyện ủy Lạc Dương ban hành Nghị quyết 08 - Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 - 2020 để ngành này có sự phát triển đúng hướng.
“Nghị quyết được ban hành là nền tảng, hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp vào đầu tư. Đó cũng là cách để tác động đến nhận thức dần thay đổi tư duy sản xuất của người dân”, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Nguyễn Duy Hải khẳng định. |
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, nghị quyết chuyên đề này còn là cụ thể hóa chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có vấn đề phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Chính phủ và Nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững của Tỉnh ủy.
Là đơn vị chuyên môn trực tiếp tham mưu cho Huyện ủy trong việc ban hành nghị quyết chuyên đề trên, ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương khẳng định: Nghị quyết được ban hành giữa tháng 4/2017 khi mà việc thay đổi cách sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã được người nông dân Lạc Dương làm trước. Tuy nhiên, việc sản xuất của bà còn hầu hết mang tính tự phát. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất hàng hóa lớn chưa nhiều. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao… Bởi thế, việc ban hành nghị quyết nhằm giúp bà con phát triển đúng hướng. Với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, về lâu dài, khi sản xuất có quy mô và đảm bảo tiêu chuẩn, nông nghiệp Lạc Dương sẽ có lợi thế khi tiếp cận các gói hỗ trợ của tỉnh cũng như gói hỗ trợ 1.000 tỷ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Trung ương. Đồng thời, việc ban hành nghị quyết chuyên đề cũng nhằm để các địa phương cùng đặt mục tiêu phấn đấu và thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo sẽ góp phần hình thành vùng sản xuất lớn theo định hướng của Tỉnh ủy: Đà Lạt, Lạc Dương là vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, UBND huyện là đơn vị thực hiện đã xây dựng ngay kế hoạch chi tiết để triển khai nhằm đưa nghị quyết thực sự đi sâu vào cuộc sống. Theo đó các nội dung như quy hoạch khu vực sản xuất, quy mô sản xuất; tổ chức sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đã được UBND huyện triển khai chi tiết với các giải pháp cụ thể.
Hiện tại, các địa phương trên toàn huyện đã có sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar cho biết: Trên địa bàn xã có gần 1.031 ha là các tiểu khu sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà kính; trong đó 31 ha của bà con DTTS. Ông Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim nói thêm: Trong năm 2017, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chuyển biến mạnh mẽ. Hiện toàn xã có khoảng 200 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; trong đó có 50 ha của bà con người Kinh, 20 ha của bà con dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi lãnh đạo huyện Lạc Dương có biện pháp khắc phục hiệu quả để hỗ trợ người dân sản xuất. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Duy Hải, với địa bàn có 74% dân số là đồng bào DTTS, nhiều vấn đề liên quan tới trình độ kỹ thuật và đặc biệt là vốn đặt ra rất khó để bà con sản xuất đạt chuẩn nông nghiệp công nghệ cao. Một bộ phận lớn nông dân đã đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp, nhưng việc đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn để có thể tiếp cận được các nguồn vay vốn rất tốn kém nên nhiều bà con ngại thực hiện. Hiện nay tỷ lệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tăng chủ yếu nhờ nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Đơn cử như ở Đa Sar và Đa Nhim mỗi xã có khoảng 10 doanh nghiệp tới đầu tư trên địa bàn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với công nghệ sản xuất cao. Riêng tại xã Đa Nhim có doanh nghiệp đầu tư với diện tích trên 100 ha.
Hiện tại, việc công bố quy hoạch đất nông nghiệp và lâm nghiệp của tỉnh trên địa bàn huyện còn chậm nên ảnh hưởng lớn tới những doanh nghiệp và cá nhân muốn đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn. Để giải quyết vấn đề này Lạc Dương đã thực hiện nhiều biện pháp trong đó đáng chú ý là việc thuê lại diện tích đất của nhiều nông hộ và cho các đơn vị, cá nhân đủ tiềm lực thuê lại. “Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa giải quyết được căn cơ”, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương cho biết.
Lạc Dương xác định thực hiện Nghị quyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chiến lược dài hơi, nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Tuy vậy, Nghị quyết đã dần đi vào cuộc sống, tính đúng đắn của nó đã dần được chứng minh khi mà tư duy làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện.
N.NGÀ