Bác Hồ với tết cổ truyền dân tộc

09:02, 16/02/2018

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, có nhiều sự kiện và câu chuyện mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, để lại mãi trong lòng nhân dân. Đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền dân tộc, Bác Hồ quan tâm lo lắng đến việc ăn tết của nhân dân, nhất là công nhân, nông dân, người nghèo. Điều này, được khắc ghi mãi trong những người được vinh dự làm việc bên Bác.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, có nhiều sự kiện và câu chuyện mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, để lại mãi trong lòng nhân dân. Đặc biệt là vào dịp tết cổ truyền dân tộc, Bác Hồ quan tâm lo lắng đến việc ăn tết của nhân dân, nhất là công nhân, nông dân, người nghèo. Điều này, được khắc ghi mãi trong những người được vinh dự làm việc bên Bác. Xin nêu lại một số mẩu chuyện:
 
Tết kháng chiến thứ nhất
 
Tết Đinh Hợi 1947 đến, Bác Hồ lúc này đang ở xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. 
 
Bác Hồ vẫn giữ nếp làm việc đúng giờ, mặc cảnh vật xung quanh thay đổi. Cái bàn viết được kê sát giường nằm. Bác Hồ ngồi trên giường thay ghế. Ba mươi tết mà ngày vẫn hai bữa cơm độn sắn (củ mì). Chiều hôm ấy đào xong hầm tránh máy bay, người lấm bẩn, mặc trời rét, anh em chúng tôi kéo nhau ra sông Tích gần nửa cây số tắm, rất vui.
 
Chương trình của Bác là chiều tối họp Hội đồng Chính phủ, rồi đến Đài phát thanh đọc lời chúc mừng năm mới đồng bào vào đúng giao thừa.
 
Xe ô tô chạy một lát thì sa một bánh xuống ruộng. Trời mưa bụi, đường đất sét trơn. May ruộng nông nên xe không bị lật. Trời nhá nhem tối. Tìm được mấy bà con đốt đuốc ra khiêng hộ xe lên, cũng mất hàng giờ. Chín giờ tối, xe mới tới Quốc Oai. Bác vào họp phiên họp tất niên của Hội đồng Chính phủ, chúc tết và bàn định một số công việc.
 
Mười giờ rưỡi xe đi đến Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Trời đổ mưa mau. Đường đất càng lầy và trơn. Bánh xe nhiều lúc quay tít tại chỗ, đành phải xuống đẩy.
 
Xe vòng qua Xuân Mai rồi rẽ quặt xuống. Gần 12 giờ đêm mới tới chùa Trầm. Đài phát thanh đặt trong hang núi đá. Điện sáng trưng, máy chuyển ầm ầm.
 
Bác vào buồng thu đọc trước máy bài thơ “Chúc năm mới Đinh Hợi” (1947):
 
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
 
Xong nhiệm vụ, Bác nói chuyện thân mật với anh chị em cán bộ, nhân viên đài phát thanh. Có khá nhiều anh em, bạn bè các nước đến góp phần với Việt Nam kháng chiến, đứng cùng trong hàng ngũ chống đế quốc!
 
Sắp ra về thì sư cụ chùa Trầm xin “yết kiến”. Sư cụ thành kính như lên khóa lễ, tay chắp, giọng run run, mắt đăm đăm nhìn Bác. Chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng đặt xuống giường. Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong cụ Chủ tịch thu nhận cho!
 
Gần một giờ đêm, xe trở về. Mưa vẫn to. Lại xuống đẩy xe mấy quãng. Còn cách nhà khoảng hai cây số thì xe tụt cả hai bánh trước xuống ruộng.
 
Giờ này chẳng còn nhờ được ai khênh xe. Đầu năm mới, sợ rông, anh tài đành ngủ coi xe. Còn Bác và chúng tôi dù đường lầy lội cũng cuốc bộ về nhà để “xông đất”.
 
Ba giờ rưỡi sáng mới tới nhà ông Khuê, nơi Bác ở. Làng xóm im lặng như tờ. Tiếng gà gáy cầm canh đâu đó.
 
Cái tết kháng chiến đầu tiên của Bác Hồ như thế đấy.
 
Bác Hồ thăm và chúc tết một số cơ sở ở Hà Nội
 
Sáng ngày 28/1/1957 (28 tháng Chạp năm Bính Thân), Bác Hồ tiếp các cụ phụ lão xã Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân), và nhận cây đào được đánh cả gốc, trên tán có đính băng đỏ chữ vàng “Nhân dân lao động xã Nhật Tân kính tặng Hồ Chủ tịch”.
 
Người cảm ơn các cụ và hỏi cây đào trồng được mấy năm rồi. Khi biết đã trồng được 3 năm, Người nói:
 
- “Sao không để gốc lại đem đánh cả gốc sang năm lấy đâu hoa để chơi nữa…”?
 
Các cụ phụ lão Nhật Tân cảm động trước sự quan tâm cụ thể, sâu sắc của Bác Hồ đến sản xuất, đời sống của dân.
 
Sáng ngày 29/1/1957, Bác Hồ cải trang như một cụ già ở quê ra, đi thăm tình hình sắm tết của nhân dân ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Người ghé vào gian hàng mậu dịch bán hoa quả tươi hỏi mua một quả cam. Nhân viên bán hàng không bán và cho biết chỉ bán từ 1kg trở lên. Người tỏ vẻ không vui.
 
Chiều, Bác Hồ gọi điện cho Bộ Nội thương góp ý về phương thức bán hàng.
 
Tối ngày 30 Tết Đinh Dậu (1957) Bác Hồ đến thăm năm gia đình công nhân ở khu lao động Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy đèn Bờ Hồ (mới xây dựng trên bãi Nghĩa Dũng cũ). Gia đình ông Nguyễn Văn Hào vinh dự được Bác thăm đầu tiên. Ông Hào còn đang ngỡ ngàng và cảm động, Bác đã chủ động tươi cười thân mật nói:
 
- Bác đến chúc tết cô chú đây. Nhà ta ăn tết có vui không?
 
Ông Hào lễ phép trả lời:
 
- Dạ thưa Bác, vui lắm ạ.
 
Nhìn quanh không thấy bánh chưng, Bác lại hỏi:
 
Nhà ta không thấy bánh à?
 
Bà Tình - vợ ông Hào - thưa:
 
- Dạ có ạ. Năm nay nhà cháu gói được hai chục chiếc vừa mới vớt ra, đang để ngoài sân.
 
Bác nhìn chồng bánh để trên một tấm phản ở ngoài, gật đầu, tươi cười:
 
- Thế là tốt.
 
Bác đứng mặc niệm một phút trước bàn thờ tổ tiên rồi hỏi công việc làm ăn của hai ông bà ở nhà máy, căn dặn phải làm tốt, phải tiết kiệm. Bác xoa đầu các cháu bé đứng cạnh rồi quay sang hỏi ông bà:
 
- Cô chú được mấy người con?
 
- Dạ thưa Bác, bốn ạ.
 
Bác căn dặn:
 
- Cô chú phải gắng nuôi dạy con, cho ăn học tử tế, để trở thành người lao động mới, xây dựng đất nước sau này.
 
(Theo Vũ Kỳ - Những bức thư kể chuyện Bác Hồ - ST 1985 - và Tư liệu của Ban lịch sử Đảng huyện Thạch Thất - Hà Nội).
 
KIỀU MINH (ST và tập hợp)