Hoạt động Hội đồng Nhân dân ngày càng hiệu lực, hiệu quả và gần dân

10:02, 20/02/2018

Kể từ khi Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đi vào hoạt động đến nay đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh...

Kể từ khi Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đi vào hoạt động đến nay đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần vào thành quả chung của tỉnh, lần đầu tiên sau 10 năm Lâm Đồng hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trong năm 2017. Cụ thể, thực hiện chức năng quyết định của HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 76 nghị quyết được xây dựng dân chủ, công khai với tinh thần trách nhiệm cao và ban hành kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý điều hành, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của Nhân dân. 
 
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát và làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông. Ảnh: N.Ngà
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khảo sát và làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông. Ảnh: N.Ngà
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm qua của Lâm Đồng có thể kể tới hầu hết các chỉ tiêu đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó, nổi bật là mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,16%, cao nhất trong một thập niên trở lại đây; GRDP bình quân đầu người đạt 54,2 triệu đồng, vượt mức bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý, thu ngân sách đạt hơn 6.446 tỷ đồng, vượt gần 20% dự toán Trung ương và vượt 11% dự toán địa phương mà trong đó tổng thu thuế, phí gần 3.927 tỷ đồng, đạt 103% dự toán địa phương và bằng 116% so năm 2016. Việc thu thuế, phí vượt 16% cho thấy quy mô nền kinh tế đã được mở rộng từ các hoạt động khởi nghiệp, số lượng và chất lượng doanh nghiệp ngày càng tăng cao, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các dịch vụ thương mại, du lịch có bước phát triển, hiệu quả... từ đấy tạo ra nguồn thu không chỉ hiện tại mà cả trong những năm tới. 
 
Điểm khác biệt nữa của Lâm Đồng cũng đáng để quan tâm, đó là tuy ngân sách thu chưa lớn, nhưng nhìn vào thu nhập của người dân trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể khẳng định đại bộ phận người dân có đời sống khá giả hơn do nền nông nghiệp có bước phát triển vượt trội, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trở thành hình mẫu của cả nước mang lại. 
 
Để có được điều này, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm khai thác tốt lợi thế so sánh của tỉnh để “phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại” và không nằm ngoài mục tiêu “tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao” làm thay đổi cơ bản diện mạo đời sống nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Vì vậy, đối với Lâm Đồng, đặt trong khu vực Tây Nguyên và là tỉnh có hơn 70% người dân sống ở khu vực nông thôn và gần 23% người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 5,17%, điều đó cho thấy số hộ khá giả và giàu chiếm đa số nên ít có nơi nào mà tỷ phú nông dân nhiều hơn Lâm Đồng. Bằng chứng thấy rõ là rất nhiều nông dân Lâm Đồng sống trong villa, biệt thự ngay cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi dân giàu thì nước mới mạnh, điều mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng luôn đồng lòng, phấn đấu hướng tới.
 
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được triển khai thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật, nhất là hoạt động chất vấn tại các kỳ họp luôn được chú trọng thực hiện. Tại các kỳ họp thường lệ hàng năm, đã có 41 lượt ý kiến chất vấn đối với các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND tỉnh. Nội dung chất vấn được đánh giá đề cập đến các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu bức thiết của người dân trên địa bàn tỉnh, như: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án thủy điện; các dự án xây dựng hạ tầng giao thông; các chính sách an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
 
Sinh hoạt chất vất và trả lời chất vấn tại nghị trường các kỳ họp có nhiều chuyển biến, được công khai và truyền hình trực tiếp đến mọi người dân, phần nào nói lên trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho dân cũng như trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp chính quyền về những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị qua các đợt tiếp xúc cử tri, những tồn tại bức xúc trong đời sống xã hội, vấn đề dân sinh của các tầng lớp Nhân dân... được quan tâm lắng nghe và từng bước giải quyết, tạo sự tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân đối với đại biểu và HĐND tỉnh. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tuân thủ pháp luật, thực thi luật pháp, triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết của HĐND trong đời sống xã hội. 
 
Riêng về hoạt động giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đó là những nội dung được đánh giá đi sâu sát với mối quan tâm chung của người dân và xã hội. Song song đó, các ban của HĐND cũng đã tổ chức giám sát 10 chuyên đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Chỉ tính riêng năm 2017, các ban của HĐND tỉnh đã giám sác các chuyên đề như: Tình hình triển khai thực hiện các chính sách giáo dục đối với Trường phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú; việc triển khai kế hoạch trồng rừng, thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử đối với các trường hợp án treo của Tòa án nhân dân hai cấp. Qua đó, các kiến nghị qua giám sát được chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu và có giải pháp thực hiện cũng như xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, tồn tại đã nêu trong các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực và các ban thuộc HĐND tỉnh.
 
Cũng trong thời gian qua, HĐND tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân trên tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Vì vậy, qua 6 đợt tiếp xúc cử tri đã có hơn 14 ngàn lượt cử tri tham dự, đóng góp trên 2.600 lượt ý kiến, kiến nghị, trong đó có 298 kiến nghị đã được chuyển đến UBND tỉnh và các ngành có liên quan để giải quyết và trả lời cử tri theo quy định với tỷ lệ kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm đạt trên 40%. Ngoài ra, hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được duy trì thường xuyên và đã xử lý 639/663 đơn, đạt 96,3%...
 
Nhìn chung, để có những kết quả nổi bật nêu trên, trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, xử lý các thông tin cụ thể liên quan đến việc thực hiện pháp luật theo thẩm quyền. Đồng thời, giữ mối quan hệ phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh và các cơ quan hữu quan; phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thành phố trong công tác giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri, tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo trong hoạt động của HĐND các cấp; phối hợp chặt chẽ và tham gia các đợt giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã đem lại hiệu quả trong các mặt hoạt động, thể hiện vai trò cơ quan đại diện của dân và ngày càng gần dân. 
 
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, năm 2018 này, HĐND tỉnh hướng trọng tâm tập trung triển khai hoạt động giám sát theo nghị quyết của HĐND tỉnh và các quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện; nhất là giám sát những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong một số lĩnh vực trọng yếu; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và công dân theo luật định. Đặc biệt, triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh khóa IX, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018 được kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh thông qua, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ trong năm bản lề 2018 làm “lực đẩy” cho những năm tới sớm về đích hoàn thành kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định. Đồng thời, tổ chức tốt các phiên họp của HĐND trên tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các nghị quyết, đề án, báo cáo; nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu trong hoạt động tiếp xúc, sinh hoạt chất vấn; chuyển tải đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như trong việc tiếp công dân để từ đó tiếp thu, phản ảnh, đôn đốc các cơ quan chức năng trả lời ý kiến, giải quyết các kiến nghị, tố cáo của công dân theo quy định pháp luật; giữ mối liên hệ gần gũi với Nhân dân với phong cách “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan dân cử.
 
Với đà thắng lợi trong năm 2017, bước vào năm mới Mậu Tuất 2018, mong rằng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm cao, đồng lòng vượt qua khó khăn phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững.
 
TRẦN ĐỨC QUẬN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh