Ngày 3/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Kể từ ngày thành lập đến nay, Ðảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức...
Ngày 3/2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Kể từ ngày thành lập đến nay, Ðảng đã lãnh đạo toàn dân tộc đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đã lập nên những kỳ tích vang dội trong gần 9 thập kỷ qua; điều đó đã chứng minh và khẳng định đường lối đúng đắn, sáng tạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là Đảng cách mạng, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân”.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX các phong trào yêu nước liên tiếp xuất hiện, đây chính là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Đã có rất nhiều những hào kiệt, những anh hùng dân tộc vì nước quên thân, dũng cảm hy sinh quên mình vì Tổ quốc, nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào yêu nước và các cuộc khởi nghĩa đều lần lượt bị tan rã và thất bại. Cách mạng Việt Nam thời điểm đó chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Chính vào thời điểm bế tắc đó, một xu hướng cách mạng mới xuất hiện do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và lãnh đạo. Người đã đem chủ nghĩa Mác - Lênin truyền bá vào Việt Nam; cổ vũ phong trào yêu nước, phong trào công nhân để hình thành các tổ chức cách mạng theo một xu hướng mới. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, một tổ chức cách mạng mà phần lớn là các trí thức tiểu tư sản có tư tưởng tiến bộ, sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin; năm 1929 những tổ chức Cộng sản đầu tiên được ra đời.
Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế cộng sản, chủ trì Hội nghị họp tại Hồng Kông để thống nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị này, Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, chương trình vắn tắt của Đảng đã được thông qua; sự kiện này đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng và mở ra bước ngoặt mới về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam.
Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam trong suốt gần 9 thập kỷ qua đã chứng minh mà nhân loại không thể phủ nhận đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và sự giao phó của lịch sử. Ngày 3/2/1930 đánh dấu một mốc son lịch sử, Việt Nam đã có một chính đảng của mình do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến Việt Nam, lập nên Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp và tiếp đó là thắng lợi vang dội ngày 30/4/1975, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau chiến tranh, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội trong bộn bề gian khó; trong sự bao vây cấm vận của Mỹ và các nước đồng minh và trước sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu… nhưng Đảng ta vẫn kiên định mục tiêu, vững vàng, sáng suốt lãnh đạo nhân dân vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức; từng bước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; cho đến hôm nay, chúng ta đã gặt hái được những thành công vang dội, bạn bè quốc tế phải công nhận và kính phục đó là: đưa nước ta thoát khỏi nhóm các nước nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình; từ một nước phải đi vay, xin viện trợ, chúng ta đã vươn lên là nước thứ hai chỉ sau Thái Lan về xuất khẩu lương thực. Đặc biệt sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, có quan hệ kinh tế - thương mại với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.
Trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng suốt gần 9 thập kỷ, Đảng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang: đó là truyền thống đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; có tổ chức, kỷ luật nghiêm minh trên cơ sở tình thương yêu đồng chí và nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; truyền thống đoàn kết quốc tế, thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả; đó còn là truyền thống trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp, của dân tộc; kiên định lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây chính là những cơ sở vững chắc để Đảng ta hình thành và thực hiện đường lối đổi mới, đối nội và đối ngoại đúng đắn, nhất quán; đưa cách mạng nước ta phát triển lên một tầm cao mới.
Trải qua gần 9 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, với rất nhiều thăng trầm, biến cố, Đảng ta đã đúc rút ra được rất nhiều bài học cũng như kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng đó là:
- Phải giữ vững và kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đây là một mục tiêu được Đảng ta xác định bất di bất dịch trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc của lịch sử.
- Đảng luôn khẳng định và lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
- Không ngừng chăm lo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn… phải thực sự là những “công bộc của dân”.
- Đảng phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII).
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương…
Từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong suốt gần 9 thập kỷ đã đi qua, nhìn lại chặng đường dài với những khó khăn, thách thức, những thành tựu đạt được, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay; tất cả điều đó đã chứng minh sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đây chính là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và đó cũng là trường học vĩ đại mà Đảng ta đã bền bỉ tôi luyện và trưởng thành.
NGUYỄN THỊ MỴ