(LĐ online) - Từ mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2), lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ có Đảng lãnh đạo cách mạng. Từ đây, "Ý Đảng - Lòng Dân" hòa hợp, Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
(LĐ online) - Từ mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2), lịch sử dân tộc Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ có Đảng lãnh đạo cách mạng. Từ đây, “Ý Đảng - Lòng Dân” hòa hợp, Đảng luôn đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cuối những năm 1920, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Việt Nam đặt ra yêu cầu phải có một Đảng Cộng sản chân chính đủ sức đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng. Để chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào Cộng sản ở Việt Nam và khi điều kiện chín muồi, mùa xuân năm 1930 (từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930) tại Hương Cảng, Trung Quốc, với sự nhạy bén chính trị và uy tín của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) để thành Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Những văn kiện đó chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được Hội nghị thông qua. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở ra bước ngoặt trong lịch sử phát triển của dân tộc, đánh dấu việc chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước trong mấy chục năm.
88 năm trôi qua kể từ mùa Xuân Canh Ngọ - 1930 đến nay, ĐCSVN luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và đưa đất nước tiến lên CNXH. Từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo tiến hành đường lối đổi mới đúng đắn, đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Lịch sử của ĐCSVN trải qua muôn vàn gian nan, thử thách: Sinh ra trên đất khách quê người, biết bao đảng viên của Đảng bị kìm cặp, tù tày, thậm chí hy sinh, nhưng không chao đảo, chùn bước, mà luôn kiên định với con đường, lý tưởng đã vạch ra. Vào những năm 90 thế kỷ XX, ở thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của tình hình cách mạng thế giới khi CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu rụp đổ, Đảng ta vẫn kiên định, giữ vững lập trường chủ nghĩa Mác - Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên CNXH; thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn trùng khó khăn đưa đất nước vững bước đi lên trong niềm kiêu hạnh của một dân tộc anh hùng. Nhờ đó, thế và lực của nước ta ngày càng lớn mạnh, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Với những gì ĐCSVN đã làm được cho nhân dân, cho dân tộc ta trong suốt 88 năm qua, thật xứng đáng với lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng:“Đảng ta thật là vĩ đại”.
Có thể nói, những thành tựu của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đều xuất phát từ việc coi trọng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong những thời điểm phải đương đầu với những thách thức đe dọa đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, thách thức đó, Đảng đã biết hội tụ và khơi dậy ý thức của nhân dân Việt Nam về lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự do, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, biến nó thành ý chí, niềm tin, sức mạnh vật chất để giành thắng lợi. Đó chính là sự gặp gỡ, thống nhất giữa lợi ích của Đảng với lợi ích của nhân dân và dân tộc, “ý Đảng – lòng Dân” được hòa hợp làm một; bởi “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân” (Hồ Chủ tịch).
“Ý Đảng” là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của ĐCSVN; còn“Lòng Dân” là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết toàn dân tộc trên dưới một lòng, quyết tâm đem hết sức người, sức của phục vụ sự nghiệp cách mạng do Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo - biểu tượng sức mạnh vô địch của nhân dân ta. Chính “Ý Đảng - Lòng Dân” đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt nam làm nên những thắng lợi lẫy lừng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Ý Đảng – Lòng Dân” không chỉ là những mốc son trên các chặng đường vinh quang của Đảng, của đất nước, của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua, mà “Ý Đảng - Lòng Dân” còn mãi mãi là nguồn lực, sức mạnh vô tận để đưa nước ta phát triển nhanh – mạnh – bền vững, sớm sánh vai với các các nước phát triển trên thế giới. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh: khi ý Đảng hợp với lòng dân thì dù trở ngại, khó khăn, thách thức đến đâu cũng vượt qua được; ngược lại có những thời điểm ý Đảng chưa hợp với lòng dân, xa rời nhân dân thì cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí gây tổn thất lớn.
Hiện nay, tình hình đất nước bên cạnh những thuận lợi, cơ hội lớn, nhưng cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN và chế độ XHCN ở Việt Nam. Trước bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, sức mạnh của “Lòng Dân” cần được Đảng ta khơi dậy, động viên, phát huy hơn nữa, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về mọi chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được Đại hội XII đề ra. Làm sao để “Ý Đảng hợp với Lòng Dân” được xây dựng và không ngừng bồi đắp trong suốt 88 năm qua – đã trở thành hệ giá trị cao đẹp, nay lại được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục bồi đắp, nâng lên tầm cao mới và mãi mãi trường tồn. Chủ đề Đại hội XII xác định "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đó là ý chí quyết tâm của toàn Đảng, cũng là ý nguyện cháy bỏng, niềm tin mãnh liệt của nhân dân Việt Nam – điểm hội tụ của “Ý Đảng – Lòng Dân”; có ý nghĩa định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên.
Để hòa hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” một cách bền vững, trước hết đòi hỏi Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp cần nghiêm túc “soi gương”, xem lại chính mình, phải tự chỉnh đốn bản thân trước khi yêu cầu người khác chỉnh đốn. Bởi hiện nay, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhất là đối với một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang bị xói mòn nghiêm trọng.
Thứ hai, thường xuyên đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, pháp luật; sự công khai, minh bạch, … trong các hoạt động nhằm giúp cán bộ, đảng viên tránh được sự cám dỗ của cuộc sống vật chất tầm thường, để họ không rơi vào tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thứ ba, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và “không có vùng cấm” đối với những người vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng, lợi ích nhóm. Trước mắt, phải tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng đã phát hiện để lấy niềm tin trong nhân dân. Đây là vấn đề vừa cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, liên quan đến uy tín và sự sống còn của Đảng, của chế độ.
Thứ tư, phải đưa chế độ quản lý quyền lực trở thành các quy định pháp luật của Nhà nước; lấy pháp luật để ràng buộc quyền lực, lấy đạo đức để ràng buộc quyền lực, lấy quyền lực để ràng buộc quyền lực và lấy nhân dân để ràng buộc quyền lực; bởi quyền lực đang là miếng đất màu mỡ cho tham nhũng. Đặc biệt cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và yêu cầu bản thân người đứng đầu phải thật sự trong sáng, trong sạch, có như thế mới phòng, chống được tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự thống nhất ý chí và hành động giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; củng cố, giữ vững sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu – cơ sở vững chắc cho “ý Đảng hòa hòa hợp lòng Dân” - nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh và mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công, vô tư”. Và mỗi khi làm được điều đó thì lòng dân thống nhất, phù hợp với ý chí lãnh đạo của Đảng, “Ý Đảng hòa hợp Lòng Dân”, hội tụ được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, tạo thành lực lượng tinh thần, vật chất to lớn vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Khi “Ý Đảng” hợp “Lòng dân”, thì nhân dân có lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và cùng Đảng thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG