Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:02, 27/02/2018

(LĐ online) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú về y học, y tế, sức khoẻ, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân...

(LĐ online) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú về y học, y tế, sức khoẻ, cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính bản thân Bác là tấm gương sáng về tự rèn luyện chăm sóc sức khỏe. Tư tưởng, quan điểm về chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bác có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại.
 
Trước hết, Bác quan niệm sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần: “khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, thế là sức khỏe”. Quan niệm của Bác hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Từ quan niệm rất chính xác về sức khỏe, Bác chỉ rõ việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần, phải “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”; và “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. 
 
Thứ hai, theo Bác, sức khoẻ con người là yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì; “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”; “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Vì vậy, ngay khi cách mạng còn nhiều khó khăn, gian khổ, đời sống của nhân dân còn gian nan, nhưng Hồ Chủ tịch đã rất coi trọng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Người cho rằng: "Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn".  Do đó, phải xem chăm sóc sức khỏe là góp phần tạo ra của cải xã hội chứ không phải là một công việc chỉ tiêu tốn của cải xã hội. 
 
Thứ ba, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung của cộng đồng, có mối quan hệ mật thiết đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Người nhấn mạnh: Việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân; mỗi người tự chăm sóc sức khỏe của mình không chỉ vì mục đích cá nhân mà còn có mục đích vì đất nước; ngoài việc tự chăm sóc sức khỏe, mỗi người dân còn phải có nghĩa vụ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Người còn chỉ ra ích lợi của việc luyện tập thể dục đối với mỗi người: "Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái, trai, già, trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được ... Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe … Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập." 
 
Thứ tư, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân phải gắn liền với xây dựng đời sống mới; trong sinh hoạt, ăn, ở, công tác phải biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình và cộng đồng, “Sạch sẽ tức là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”. 
 
Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề y đức, tức là đức tính cao cả và trọng trách của người thầy thuốc. Người chỉ rõ, người thầy thuốc giỏi về chuyên môn thôi là chưa đủ mà còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, phải hết lòng hết sức cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách vô điều kiện. Đó là một nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc và ngành y tế, cần được gìn giữ, phát huy: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.”.
 
Thứ sáu, tư tưởng của Bác về xây dựng nền y học nước ta mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng, đây là một quan điểm hết sức sâu sắc. Tính dân tộc được thể hiện ở nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam; tính đại chúng chính là một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân; cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Đồng thời, nền y học của nước ta còn mang tính khoa học; nghĩa là chúng ta phải xây dựng một nền y học hiện đại, đào tạo được nhiều chuyên gia đầu đàn, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, xây dựng được những trung tâm y tế chuyên sâu. Tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học theo quan niệm của Hồ Chí Minh, có sự gắn bó chặt chẽ với nhau và trở thành phương hướng, phương châm cơ bản, lâu dài về xây dựng nền y học nước ta trên cơ sở đông - tây y kết hợp. Bác nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc” và “Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Theo Bác, “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, để xây dựng một nền y học hiện đại tiến kịp với nền y học nhân loại, chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh của y dược học cổ truyền; khai thác, phát huy cái phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền.
 
Thứ bảy, nền y học của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân, phải chú trọng chăm lo xây dựng các trạm y tế, chăm lo đến y tế thôn bản, chăm lo đến sức khỏe gia đình. Bác hết sức quan tâm đến y học dự phòng, “Phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh”, thậm chí “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Người đặc biệt chú ý đến những vấn đề rất nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, hố xí vệ sinh, diệt ruồi, muỗi. Bác nhấn mạnh “Vệ sinh là yêu nước”. Trong quan điểm y học dự phòng, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao thể lực của con người; bởi đây là phương châm y học dự phòng tích cực và chủ động nhất. Bác vận động toàn dân phải thường xuyên vận động cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức khỏe và cũng xin hứa “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”. 
Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mang tầm vóc thời đại và đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần nâng cao thể chất con người Việt nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
 
KHÁNH LINH