Xây dựng giai cấp công nhân, 10 năm nhìn lại

08:03, 21/03/2018

Tháng 1/2008, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 20 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (gọi tắt là Nghị quyết 20). Ðây là lần đầu tiên Ðảng ta có riêng một nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân. 

Tháng 1/2008, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 20 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết 20). Ðây là lần đầu tiên Ðảng ta có riêng một nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân. 
 
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, lực lượng công nhân phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Ảnh: N.Ngà
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, lực lượng công nhân phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ảnh: N.Ngà

Ngay sau khi Nghị quyết 20 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện. Sau chặng đường 10 năm, vẫn còn nhiều thử thách phải đối mặt, song Lâm Đồng đã có được giai cấp công nhân phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng.
 
Những chuyển biến tích cực
 
Nghị quyết được ban hành, Chương trình hành động của Tỉnh ủy được xây dựng, 100% các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn cũng đã có hoạt động thực hiện tại địa phương, đơn vị. Riêng Liên đoàn Lao động tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, Chương trình hành động đến 100% cán bộ công đoàn chuyên trách và trên 200 ngàn lượt đoàn viên. 
 
Bà Mai Lương Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: Năm 2008 trở về trước còn rất nhiều bất cập trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với công nhân, người lao động như: Thỏa ước lao động tập thể chỉ sao chép Luật Lao động. Tình trạng tranh chấp lao động còn nhức nhối. Các doanh nghiệp hầu như không quan tâm đến việc đào tạo hay đào tạo lại trình độ của công nhân. Các thiết chế văn hóa dành cho lực lượng này hầu như không có… 
 
Hơn 10 năm qua, Nghị quyết 20 như sợi chỉ hồng xuyên suốt, là mạch nối liên kết, định vị cho những hoạt động của các cấp công đoàn - cầu nối giữa công nhân và người sử dụng lao động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân.
 
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 20, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, lao động trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Điển hình như việc UBND tỉnh đã chỉ đạo phê duyệt Đề án và tập trung hoàn thành Nhà Văn hóa lao động tỉnh vào năm 2015. Một số doanh nghiệp tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Đức Trọng… đã và đang đầu tư xây dựng khu lưu trú cho công nhân lao động, với điều kiện cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, năm 2017, Tỉnh ủy đã tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hơn 200 CNVCLĐ và tổ chức công đoàn. Từ đó, Thường trực Tỉnh ủy đã có Kết luận chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành đoàn thể nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của đội ngũ CNVCLĐ và công đoàn trong tình hình mới…
 
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, Lâm Đồng hiện có trên 71 ngàn CNVCLĐ (tăng 15.608 người so với năm 2008) với trên 1.500 công đoàn cơ sở. Trong đó, 338 công đoàn cơ sở thuộc khối doanh nghiệp. Sau Nghị quyết 20, đã có trên 35.000 lượt CNVCLĐ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ. Hàng năm, công đoàn các cấp trong tỉnh tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt 94,2%. 
 
Theo nhận định của Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên, cuối 2017 Lâm Đồng có trên 7.000 doanh nghiệp nên tạo ra được nhiều việc làm cho người lao động. Trình độ của người lao động dần được nâng lên. Thu nhập người lao động Lâm Đồng trung bình 6,4 triệu đồng/tháng, tiệm cận với bình quân chung cả nước. Chính quyền đã có nhiều hoạt động để đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn những vụ việc xảy ra tại doanh nghiệp, chính quyền xử lý còn chậm để xảy ra kiện tụng kéo dài. Nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa… cho công nhân chưa được đáp ứng hết. Việc đối thoại trực tiếp giữa các cấp chính quyền với công nhân lao động còn ít. Đó sẽ là những nhiệm vụ mà các cấp chính quyền tập trung giải quyết trong thời gian tới. 
 
Còn nhiều vấn đề đặt ra
 
Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến chỉ rõ: Vẫn còn một số địa phương, đơn vị tổ chức triển khai Nghị quyết chưa hiệu quả. Hoạt động phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong triển khai thực hiện Nghị quyết chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác quán triệt, tuyên truyền chưa sâu rộng đến đông đảo CNLĐ, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Việc đào tạo nghề, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân còn nhiều khó khăn, thiếu ổn định. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động vẫn thường xuyên diễn ra ở một số doanh nghiệp ngoài nhà nước, trọng điểm là vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN... Hoạt động của một số công đoàn chưa thực sự có hiệu quả, nhất là công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài. Công tác phát triển Đảng trong công nhân, tỷ lệ thành lập TCCSĐ trong doanh nghiệp chưa cao...
 
Trước thực trạng đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo các đơn vị cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết 20 và chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc thực hiện nghị quyết này. Trong đó, chú trọng tới việc tiếp tục tuyên truyền để mọi người trong xã hội nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của giai cấp công nhân. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ công nhân, người lao động. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thông qua tạo nguồn phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển chọn, đào tạo công nhân lao động. Đối với các doanh nghiệp cần phải quan tâm tạo điều kiện để người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp. Bản thân lực lượng công nhân, người lao động cũng cần ý thức đoàn kết, học tập, sáng tạo, nâng cao trình độ, rèn luyện tác phong công nghiệp… xứng đáng là đội quân tiên phong trong sự nghiệp xây dựng CNXH, là lực lượng đi đầu trong công cuộc CNH - HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Bà Mai Lương Anh nói thêm: Nghị quyết đã được ban hành, tức là đã có sự chỉ đạo của Đảng, điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan cùng chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa. Không thể có tình trạng “khoán trắng” cho công đoàn. Có thể nói, từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 20 Lâm Đồng vẫn có tình trạng biến động thị trường lao động do các lao động đổ về những thị trường lớn. Điều đó cũng đặt ra vấn đề để các cơ quan liên quan phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết để đảm bảo quyền lợi nhằm giữ chân người lao động.
 
NGỌC NGÀ