Bác Hồ với việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí

08:03, 13/03/2018

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Người cho đây là "kẻ thù nguy hiểm", nó làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Người cho đây là “kẻ thù nguy hiểm”, nó làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
 
Trong 24 năm (từ 1945-1969) đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác rất đau khổ, dằn vặt vô cùng về căn bệnh mà chúng ta đang nan giải ngày nay, đó là bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bác chữa căn bệnh này bằng đề cao đạo đức và luật pháp (đức trị gắn với pháp trị) và sự gương mẫu của người đứng đầu. Một lần, Bác chủ trương họp Chính phủ mở rộng, có mời thêm cả các vị chủ tịch tỉnh, các lãnh đạo đầu ngành. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ (thư kí riêng của Bác) mua cho Bác thật nhiều bút máy, mở sẵn nắp, mang lên bàn hội nghị, hỏi bên Văn phòng cho kĩ, bao nhiêu người dự họp thì mua đủ bấy nhiêu bút, bằng tiền của Bác, đồng thời kê một cái bàn trong hội trường, Bác đến trước Bác đợi. Khi cán bộ bắt đầu vào họp, thấy Bác có nhiều bút ai cũng hỏi “Thưa Bác, ai biếu Bác mà Bác lắm bút thế?”. Bác trả lời “Làm gì có ai biếu, Bác phải mua bằng tiền lương của Bác đấy. Tí nữa đông đủ, Bác tặng cho mỗi cô, mỗi chú 1 cây bút để làm việc”. Bác ân cần phát quà cho từng người, ai cũng nâng niu quà của Bác trên tay, ngắm nghía một hồi lâu và tự nhiên như một phản xạ, các vị mới lật thân bút lên để xem. Đập ngay vào mắt dòng chữ mà Bác đã kín đáo dặn ông Vũ Kỳ khắc vào đó, dòng chữ “Bút chống quan liêu, tham nhũng”. Bác không nói một câu nào, Bác im lặng, vui vẻ, bình thường. Cán bộ dự hội nghị đọc xong câu đó cũng im lặng, không ai nói với nhau câu nào. Hai sự im lặng đó là hoàn toàn khác nhau. Im lặng của Bác như lời cảnh báo phải tỉnh táo, cẩn thận và biết dừng lại trước khi quá muộn. Còn im lặng của chúng ta là sự dằn vặt bên trong, tự vấn lương tâm.
 
Bác yêu cầu mỗi cô, chú viết cho Bác một bản kiểm thảo, có lỗi lầm gì phải khai hết với Bác, Bác xem các chú dũng cảm đến đâu, trung thực đến đâu. Sau đó Bác đọc không sót một bản kiểm thảo nào và Bác khen là các cô, các chú đã dũng cảm, trung thực nhận lỗi với Bác và Bác dặn: Các cô, các chú phải kiên quyết sửa ngay lỗi lầm không thì nguy mất”. Sau hội nghị kiểm thảo, một số vị nam giới rủ nhau xuống suối tắm để hạ hỏa. Chưa kịp tắm thì Bác đã xuất hiện và cười nói: Bác xuống tắm cùng các chú cho vui rồi tiện thể tiễn các chú về lại chiến khu. Khi tắm suối chung, một vị tướng trẻ đến kì lưng cho Bác, nói một câu rất cảm động “Bác ơi, sao Bác gầy quá!”. Bác không trả lời gầy hay béo. Bác hỏi thẳng vị tướng trẻ: Chú tham ô mấy vạn? Vị tướng nói nhỏ vào tai Bác “Thưa Bác, tất cả là 4 vạn đồng ạ” rồi lại thanh minh: Thưa Bác, Bác bảo cháu khai thì cháu khai thôi, tính ra tiền là 4 vạn chứ thực lòng cháu không lấy một xu nào cả, lỗi lầm, trách nhiệm thì cháu xin nhận. Bác rất ngạc nhiên hỏi đầu đuôi câu chuyện thế nào chú kể Bác nghe. “Thưa Bác, quân nhu họ đã phát cho cháu rồi nhưng chắc họ quên, họ phát nữa thì cháu cũng cầm, nhưng cháu không lấy, cháu cho chiến sĩ của cháu”. Bác cười, Bác rất tin, người thành thật nhìn vào mắt là biết. Bác rất tin vị tướng trẻ thành thật. Bác bảo “Bác rất tin chú, có thể là như vậy, nhưng nếu chú cho chiến sĩ của chú mà lòng dạ chú ngay thẳng, hồn nhiên không nghĩ ngợi gì thì Bác khen chú là có lòng nhân ái. Còn chú đã nghĩ bụng cho nó cái này, ngày mai, ngày kia nó cho mình, biếu mình cái khác to hơn thì không tốt đâu. Rồi Bác chỉ: chú này 4 vạn, chú kia 4 vạn thì Bác béo làm sao được! Cán bộ cấp cao mà Bác dạy đến như thế. Hơn 60 năm rồi câu chuyện này còn nguyên giá trị.
 
Chúng ta biết là lúc làm việc thì Bác rất nghiêm. Bác viết cả Quốc lệnh về thưởng phạt. Thưởng thì rất hậu hĩnh cho người có công. Phạt thì thật nặng kẻ có tội để răn đe người khác. Phần phạt có 10 điều thì có ngờ đâu tất cả từ điều 1 đến điều 10 đều ghi là tử hình. Còn nhớ vụ án đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu phạm tội tham ô, hủ hóa bị Tòa án binh tuyên phạt tử hình, y gửi đơn xin Hồ Chủ tịch tha tội chết nhưng Bác kiên quyết không tha tội. Bác bao dung như trời biển nhưng khi đối diện với cái xấu, cái ác thì Bác không nương tay. 
 
Năm 2018, chúng ta triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên thì việc chống quan liêu, tham nhũng từ trong tư duy đến hành động của mỗi cán bộ, đảng viên là điều hết sức cần thiết. 
 
Hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt, lôi cuốn sự chú ý và tham gia tích cực của toàn thể xã hội và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, được sự ủng hộ của nhân dân. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, chúng ta phải luôn ghi nhớ lời dạy của Người “Tham ô, lãng phí, quan liêu là bạn đồng minh của thực dân phong kiến, nó là kẻ thù của chúng ta, một loại kẻ thù không mang gươm súng nhưng rất nguy hiểm. Vì vậy, chống tham ô, lãng phí và quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc ngoài mặt trận”. 
 
Chúng ta đặt trọn niềm tin và hy vọng vào bản lĩnh, trí tuệ của một Đảng Cộng sản chân chính, trải qua 88 năm rèn luyện và trưởng thành sẽ đủ khả năng đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo nhân dân ta đạt nhiều thắng lợi mới, đưa đất nước phát triển bền vững và trường tồn. 
 
TRẦN TRUNG HIẾU