(LĐ online) - Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, sáng ngày 22/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Tố cáo, Luật Đo đạc và Bản đồ.
(LĐ online) - Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, sáng ngày 22/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Tố cáo, Luật Đo đạc và Bản đồ. Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội thảo.
|
Các đại biểu tham gia hội thảo góp ý Luật Tố cáo, Luật Đo đạc và Bản đồ |
Dự thảo Luật Tố cáo có 9 chương, 68 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý công tác giải quyết tố cáo. Dự thảo được trưng cầu, tiếp thu ý kiến nhằm chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, hình thức tố cáo, điều kiện thụ lý tố cáo, thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo, trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, rút tố cáo, cấp cuối cùng trong giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo…
Đa số các đại biểu thống nhất với bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Tố cáo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ về hình thức tố cáo, hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến, do đó không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn tố cáo chỉ bằng văn bản giấy, hoặc trực tiếp gặp mặt trình bày bằng lời nói. Về cơ bản, dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không. Về cấp giải quyết tố cáo cuối cùng, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng nếu chỉ quy định 2 cấp giải quyết tố cáo sẽ có nguy cơ bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật. Về nội dung bảo vệ, một số ý kiến cho rằng, quy định về nội dung bảo vệ cần cụ thể, thiết thực để có tính khả thi…
Về dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 9 chương, 64 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ (ĐĐ&BĐ), chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, công trình hạ tầng, thông tin, dữ liệu… Tại hội thảo, có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh “hoạt động mua, bán, trao đổi, chuyển giao các sản phẩm về ĐĐ&BĐ”; “sản phẩm ĐĐ&BĐ”; “chất lượng sản phẩm ĐĐ&BĐ”, “công trình hạ tầng đo đạc”; “thông tin dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, quốc gia”. Đề nghị bổ sung quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động ĐĐ&BĐ. Ngoài ra, một số ý kiến của đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc: bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển; kế thừa, sử dụng chung và chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động ĐĐ&BĐ; các hoạt động ĐĐ&BĐ phải phù hợp với luật pháp quốc tế; đề nghị lập bản đồ hành chính cho cả cấp xã, phường, thị trấn là rất quan trọng, trong khi dự thảo luật lại không quy định cấp này.
Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổng hợp, báo cáo UBTV Quốc hội tại phiên họp sắp tới.
Nguyệt Thu