Khi đảng viên gần cơ sở

09:03, 16/03/2018

Phân công đảng viên phụ trách từng thôn, từng hộ gia đình trên địa bàn đã tạo được nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại xã Phước Lộc - một xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Đạ Huoai.

Phân công đảng viên phụ trách từng thôn, từng hộ gia đình trên địa bàn đã tạo được nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại xã Phước Lộc - một xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Đạ Huoai.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm mô hình trồng chè dưới tán vườn cây ăn trái của gia đình anh Vũ Văn Viên (thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc). Ảnh: Đ.Anh
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm mô hình trồng chè dưới tán vườn cây ăn trái của gia đình anh Vũ Văn Viên (thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc). Ảnh: Đ.Anh
Từng làm cán bộ xã Phước Lộc nhiều năm, khi về hưu, bà Ka Hiên được phân công làm Bí thư Chi bộ thôn Phước Dũng - nơi bà sinh sống. Thôn Phước Dũng có 132 hộ với 576 nhân khẩu chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chi bộ thôn Phước Dũng có 6 đảng viên gồm 3 đảng viên tại cơ sở và 3 đảng viên đang làm việc tại các cơ quan nhà nước. Tất cả những đảng viên này đều được phân công theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thôn. Việc phân công nhằm tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng và các hộ dân khác trong thôn những định hướng về phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải. Bà Ka Hiên chia sẻ: “Bản thân tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc bản địa, do đó, muốn người dân nghe và làm theo thì phải là người đầu tàu, phải làm trước để bà con noi theo. Đơn giản như việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng ghép, bà con thấy mình làm được, cho thu nhập cao nên cũng đã hồ hởi mua cây giống về trồng. Khi bà con đã có cây giống thì bản thân mình đã trực tiếp hướng dẫn hoặc tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con”.
 
Đã hơn 2 năm nay, chị Ka Rép, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Lộc, đã được phân công làm Bí thư Chi bộ thôn Phước Trung. Toàn thôn có 156 hộ; trong đó, có 114 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Dù chi bộ chỉ có 5 đảng viên nhưng đều được phân công phụ trách, giúp đỡ cho bà con trong sản xuất. Chị Ka Rép cho biết: Trước đây, thôn còn nhiều hộ nghèo nhưng đến nay thì chỉ còn 6 hộ. Đạt được kết quả này một phần xuất phát từ việc phân công đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo và cận nghèo. Từ chỗ bà con có định hướng trồng cây gì, nuôi con gì đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hiện, toàn thôn có gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp thì gần một nửa trong số đó là người dân trồng sầu riêng. Đặc biệt, có 41 ha sầu riêng được bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất nên đã giúp nhiều hộ có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/ha”. Chia sẻ về kinh nghiệm phân công đảng viên giúp bà con, chị Ka Rép cho rằng việc phân công phải sát với thực tế, các đảng viên phải bám sát những hộ mình phân công để vừa tuyên truyền, vận động bà con không trông chờ ỷ lại vừa hỗ trợ, giúp đỡ bà con về kiến thức, kỹ thuật cần thiết trong sản xuất. Hàng tháng, chi bộ đều phải tổ chức đánh giá kết quả đã làm được của từng đảng viên, của chi bộ trong tháng qua. 
 
Phước Lộc là xã còn nhiều khó khăn của huyện Đạ Huoai. Toàn xã có hơn 700 hộ dân sinh sống tại 6 thôn. Người dân trong thôn chủ yếu trồng điều, sầu riêng, cây ăn quả và trồng chè xen dưới tán cây ăn quả. Ông Lương Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc cho biết: Đảng bộ xã có 70 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ; trong đó, có 6 chi bộ thôn. Ở các chi bộ thôn này, tất cả đảng viên đều được phân công phụ trách các hộ, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gương mẫu đi đầu để người dân làm theo. Đặc biệt, Đảng ủy còn phân công, giao nhiệm vụ cho 5 đồng chí là đảng ủy viên và cán bộ chuyên trách xuống làm bí thư chi bộ của 5 thôn. Đây là những hạt nhân nòng cốt tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, tích cực xây dựng các chi bộ thôn trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến quần chúng nhân dân. 
 
Việc phân công này đã có tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. 
 
Từ 5 tiêu chí ban đầu, đến nay, xã Phước Lộc đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong công tác giảm nghèo, đầu năm 2017, trên địa bàn xã có 47 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo nhưng đến cuối năm thì giảm còn 28 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo…
 
Trong buổi làm việc với Đảng ủy xã Phước Lộc mới đây, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá: Khi thành lập vào năm 2003, xã Phước Lộc là xã nghèo nhất tỉnh với hơn 50% hộ nghèo. Đến nay, với những kết quả đạt được cho thấy xã đã vươn lên rất tốt, đặc biệt là công tác tổ chức bộ máy đủ năng lực, trình độ và tâm huyết, biết bám vào chủ trương, vào tình hình và thế mạnh của địa phương. Việc phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách là cách làm hay. Một khi đảng viên sát dân thì sẽ biết dân cần gì, chưa hiểu gì và có những đề đạt ra sao. Điều này đã giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao hơn.
 
ĐÔNG ANH