Nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng đã ban hành Chỉ thị số 30 ngày 26/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác bảo vệ phát triển rừng, quản lý lâm sản.
Nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Ðồng đã ban hành Chỉ thị số 30 ngày 26/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác bảo vệ phát triển rừng, quản lý lâm sản. Ðây được xem là văn bản chỉ đạo đầy đủ và toàn diện về công tác bảo vệ phát triển rừng, quản lý lâm sản mà mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân đều phải chú trọng thực hiện. Tại huyện Lâm Hà - địa bàn có trên 38% diện tích đất tự nhiên là đất quy hoạch lâm nghiệp. Ðộ che phủ rừng 26%, thời gian gần đây, tình hình các vấn đề liên quan đến rừng diễn biến phức tạp nên việc quán triệt thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị 30 càng được đẩy mạnh.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 251 thuộc xã Phúc Thọ, Lâm Hà. Ảnh: N.Ngà |
Theo nhận định của Bí thư Huyện ủy Lâm Hà - Phạm Thị Phúc, hiện trên địa bàn huyện tình trạng phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Công tác trồng và giao khoán bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Quản lý Bảo vệ rừng thiếu đồng bộ chưa đủ sức răn đe.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện: Để xảy ra các vấn đề, vụ việc liên quan đến rừng chủ yếu do tinh thần trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, Hạt kiểm lâm, một số cán bộ các Ban quản lý rừng, kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Thậm chí một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ lợi ích về kinh tế - xã hội từ việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chưa nhận thức rõ và thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong công tác này nên chưa nắm chắc diễn biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn mà coi đó là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp. Trước thực tế đó đòi hỏi lãnh đạo huyện phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Chỉ thị 30” - Bí thư Huyện ủy Lâm Hà khẳng định.
Trước đó, trong đợt chúc tết và làm việc đầu năm với các địa phương, đoàn của đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh và UVBTV; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên đã trực tiếp vào xem xét hiện trường vụ phá 1,7 ha rừng tại Tiểu khu 251 thuộc xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Ngay tại hiện trường, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo huyện Lâm Hà cũng như các đơn vị liên quan thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 30. Rà soát lại các đơn vị giao nhận khoán, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu, nếu các đơn vị không giữ rừng tốt thì tăng cường giao rừng về cho dân nhận khoán quản lý và bảo vệ. Tiến hành công tác kiểm tra liên tục, bằng nhiều cách thức linh hoạt để giữ bằng được rừng. Xây dựng nguồn tin để tìm và xử lý triệt để các vụ vi phạm, khởi tố các đối tượng.
Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Huyện ủy Lâm Hà đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2018. Theo đó, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, lập lại kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn huyện trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các địa phương đơn vị thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể.
Ngoài ra, để tránh tình trạng chung chung, và để cá nhân mỗi cán bộ thấy rõ nhiệm vụ cụ thể của mình, lãnh đạo huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 16 đồng chí là Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UVBTV Huyện ủy ở các địa bàn cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Các cá nhân được phân công, phân nhiệm cụ thể trên có trách nhiệm báo cáo Thường trực Huyện ủy tình hình rừng trên địa bàn phụ trách hàng tháng và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện về các vấn đề xảy ra trên diện tích rừng phụ trách.
Những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản ở Lâm Hà:
- Kiên quyết trong công tác xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp;
- Các đồng chí lãnh đạo cấp huyện phụ trách chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng phải đi kiểm tra thực tế ít nhất 1 tháng/lần tại các địa bàn được phụ trách phân công;
- Lãnh đạo các xã phải đi thực tế kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tháng và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện về kết quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương;
- Kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp không trồng rừng hoặc trồng rừng không đúng phương án;
- Rà soát lại công tác giao, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trên toàn huyện để thu hồi các diện tích không hiệu quả giao cho các tổ chức, cá nhân khác, ưu tiên cho cán bộ lâm nghiệp;
- Tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét đặc biệt tại các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh…
|
NGỌC NGÀ